Theo báo cáo nửa đầu năm của Bộ TT&TT, số thuê bao di động tính đến hết tháng 6/2019 là 134,5 triệu thuê bao, bằng 112% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số máy sử dụng băng thông rộng (3G, 4G) gồm 51,128 triệu thuê bao, còn số máy điện thoại cố định chỉ là 4,02 triệu thuê bao.
Trong đó, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Đáng chú ý, số lượng thuê bao di động bị cắt giảm do không đủ thông tin thuê bao, thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối lên tới 1,85 triệu thuê bao.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2019, về cơ bản, các doanh nghiệp viễn thông đã chấp hành khá tốt quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn chưa thực hiện nghiêm túc, minh bạch các quy định, cam kết về điều kiện chuyển mạng giữ số thuê bao.
Kết quả ghi nhận sau 6 tháng, đã có trên 550.000 thuê bao yêu cầu chuyển mạng trong tổng số 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ.
Về việc triển khai thế hệ mạng di động thứ 5 (5G), Bộ TT&TT cho biết vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Cách đây ít tháng, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động 5G tại Việt Nam với chủ đề “5G và Kỷ nguyên số”. Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G, đóng vai trò quan trọng nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.
Bộ TT&TT cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông, gồm Viettel, VNPT và Mobifone. Đến tháng 5/2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với tập đoàn Ericsson (Thuỵ Điển) đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn