Trong những ngày gần đây, từ khoá "blockchain" không ngừng được nhắc đến bởi giới truyền thông, cũng như qua các trang mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc cách mạng mà blockchain sẽ mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thế nhưng đối với công nghệ tiềm tàng sức mạnh to lớn này, Việt Nam dường như mới chỉ bắt đầu những bước đi rất chập chững và dè chừng. Vậy đâu là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, cũng như đâu sẽ là bước đi đúng đắn cho Việt Nam để có thể trở thành lá cờ đầu trong khu vực khi nhắc đến nền tảng này.
Đây là chủ đề được nhắc tới tại diễn đàn "Blockchain 2018: Tầm nhìn và Xu hướng phát triển" (Blockchain Forum 2018) được báo VnExpress phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội. Đây cũng là diễn đàn blockchain đầu tiên dành cho các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển blockchain, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để đưa ra được những đề xuất, kiến nghị pháp lý dành cho công nghệ Blockchain.
Thị trường Việt Nam liệu đã sẵn sàng?
Biết đến và nổi lên trong khoảng 4 năm trở lại đây, blockchain được đánh giá là một trong 10 công nghệ quan trọng dẫn đầu cuộc công nghệ công nghiệp lần thứ 4 của nhân loại, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nhân loại, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không bỏ lỡ xu thế đó, chỉ trong năm 2017, tại Việt Nam đã nhanh chóng có những hoạt động cho thấy sự nhạy bén và thích nghi với chuyển dịch của công nghệ số, khi ghi nhận hơn 430.000 dự án mã nguồn mở và thành lập hơn 30 startup trong lĩnh vực công nghệ blockchain. Tính đến tháng 12/2017, lượng tìm kiếm việc làm liên quan đến blockchain và tiền ảo tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Adam Varizi, Tổng Giám đốc QRC Group kiêm luật sư blockchain của Diacle, cho rằng số lượng kỹ sư lành nghề tại Việt Nam là rất đáng nể, và đất nước chúng ta đứng trước cơ hội lớn để bắt nhịp, thậm chí là dẫn đầu về xu thế blockchain.
Thực tế cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 290 trường đại học ở Việt Nam đào tạo kỹ sư CNTT, hàng năm cung cấp cho thị trường một lượng lao động trẻ dồi dào, tương đương 40.000 người.
Chính điều này đã đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia đào tạo kỹ sư toàn cầu, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Theo ông Adam Varizi và nhiều diễn giả khác, đây là yếu tố cốt lõi trong sự thành công của chiến lược biến Việt Nam thành một hệ sinh thái của blockchain.
"Khi nhìn vào cuộc sống thường ngày, bạn sẽ thấy mọi thứ đều có thể ứng dụng với blockchain: từ môi trường làm việc, văn phòng, chăm sóc sức khoẻ,...", Ông Manfred Otto, Luật sư cao cấp Duanne Morris tại Việt Nam cho biết.
Blockchain về cơ bản là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ.
Dĩ nhiên, blockchain có thể được áp dụng trong hầu hết các nền kinh tế, nhưng tại mỗi quốc gia lại có những cách tiếp cận khác nhau với công nghệ mang tính cách mạng này.
"Tôi nghĩ rằng mỗi chính phủ sẽ có những cách tiếp cận khác nhau với công nghệ blockchain, nhưng kết quả sẽ cùng là một", ông Manfred Otto nhận định. "Trong vòng 5 năm tới, cuộc sống xung quanh chúng ta sẽ như một thế giới được kết nối, và công nghệ blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng giống như cái cách mà máy tính xuất hiện và thay đổi thế giới từ cách đây 30 năm".
"Người trong cuộc" nói gì về sự thành - bại của blockchain tại thị trường Việt Nam?
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay vẫn đang tồn tại 2 thách thức lớn mà đa số các doanh nghiệp Việt đều gặp phải khi tiếp cận blockchain. Đầu tiên là do thị trường Việt Nam đến nay còn bỏ ngỏ, và ngành khoa học cơ bản của chúng ta vẫn chưa thực sự phát triển.
Tại buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược Infinity Blockchain Labs - dự đoán phải còn gần 2 năm nữa thì blockchain mới có các ứng dụng mang tầm quốc gia, do công nghệ này vẫn đang được chuẩn hoá và hoàn thiện. Dẫu vậy, ông Long cho rằng đây chính là cơ hội, thách thức cho các nhà nghiên cứu khoa học - công nghệ tại Việt Nam.
"Blockchain không phải là một công nghệ quá mới. Nó chỉ tập hợp các thành tựu công nghệ với tính chất đơn giản, nhưng được xây dựng thành một nền tảng và đóng góp một vai trò quan trọng trong việc triển khai và đồng bộ hoá các dịch vụ, hạ tầng số của tương lai", ông Long cho biết.
Chia sẻ câu chuyện từ 10 năm trước, khi các ứng dụng chủ yếu chỉ được phát triển trên nền tảng website, và chỉ có một số công ty nhỏ chuyển sang ứng dụng các giải pháp trên mobile, ông Long cho rằng giờ đây chúng ta cũng đang ở vị trí tương tự đối với công nghệ blockchain.
"Đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp và đơn vị ở Việt Nam và trên toàn cầu đều hướng đến ứng dụng trên mobile - thứ công nghệ tưởng như quá đỗi xa vời và kém thực tế vào 10 năm trước", ông Long nói. "Do đó, có thể thấy rằng chúng ta đang ở thời điểm lý tưởng cho việc tham gia và phát triển công nghệ blockchain, trước khi quá muộn."
Với 11 năm kinh nghiệm khởi nghiệp liên quan đến công nghệ và 8 năm kinh nghiệm về quảng cáo trực tuyến, ông Nguyễn Văn Vững - đồng sáng lập và Giám đốc Bigbom khẳng định tại thời điểm hiện nay, hoạt động về mảng blockchain tại Việt Nam là rất khó khăn.
"Rào cản đầu tiên mà chúng tôi phải đối mặt khi xây dựng một dịch vụ ứng dụng blockchain tại Việt Nam đó là yếu tố về mặt nhân sự", ông Vững cho biết. "Nên nhớ rằng blockchain là một công nghệ mới trên toàn cầu, và còn rất mới tại Việt Nam. Do đó nguồn nhân lực đáp ứng là không nhiều".
Ông cũng chỉ ra rằng để tiếp cận được với công nghệ mang tính cách mạng này, thì người lãnh đạo trước hết phải hiểu được giá trị cốt lõi của blockchain. Từ đó, nhà quản lý có thể tổ chức một ban cố vấn để đưa ra nhiều góc nhìn, định hướng, đồng thời huấn luyện đào tạo đội ngũ có chuyên môn cao để đáp ứng nguồn nhân lực còn thiếu hụt.
Bên cạnh đó, ông còn đề cập tới hành lang pháp lý và những rào cản đối với lĩnh vực còn mới và chưa được công nhận. Ông Vững thú nhận vẫn có lúc cảm thấy rủi ro khi triển khai công nghệ blockchain tại Việt Nam, do bản thân các chính sách, nhà làm luật vẫn đang có những nhầm lẫn, khúc mắc giữa công nghệ nền tảng blockchain với các ứng dụng của nó như tiền ảo, Bitcoin,...
Rõ ràng, để có thể tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn hơn đối với việc tiếp cận công nghệ blockchain, trước hết, Việt Nam nên xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời cũng nên tiến hành thử nghiệm công nghệ blockchain với một giới hạn nhất định, đặt dưới sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Một số quốc gia tiên tiến trong khu vực châu Á cũng đã thành công trong việc xây dựng và triển khai nền tảng công nghệ blockchain. Chẳng hạn như từ tháng 7/2017, Bitcoin đã chính thức trở thành phương thức thanh toán hợp pháp tại Hàn Quốc. Còn với Nhật Bản, quốc gia đã hợp thức hoá Bitcoin và được coi là quốc gia tiên tiến nhất trong lĩnh vực mật mã toàn cầu, các hoạt động liên quan tới Bitcoin và tiền mã hoá đã chính thức được đưa vào quy định của pháp luật.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn