Vi phạm bản quyền báo chí được đánh giá ngày càng phổ biến và nghiêm trọng, trở thành rào cản đối trong quá trình chuyển đổi số.
Vấn đề được nêu tại Hội thảo Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân, tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.
Theo đại diện Hội nhà báo Việt Nam, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới giúp tạo ra các sản phẩm báo chí số phù hợp với nhu cầu của độc giả, thậm chí "tin tức biết tự tìm đến công chúng". Tuy nhiên, khi đưa nội dung lên môi trường số, các nhà báo, cơ quan báo chí gặp thách thức trong kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng.
Việc vi phạm trong lĩnh vực này "đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng". "Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí", đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chỉ ra tình trạng nhiều phóng viên "ngồi ghế salon", nhưng mỗi ngày có thể đưa 10-20 tin bài chỉ bằng thao tác copy - paste, dẫn lại nội dung y hệt từng phần hoặc thậm chí toàn bộ bài.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ tại hội thảo.
Ngoài ra, theo bà Hằng, tình trạng vi phạm bản quyền còn diễn ra mạnh trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok. Những chiêu được các nhóm sử dụng phổ biến như: phóng to ảnh để làm mất logo, chèn logo lên logo gốc, lấy nội dung văn bản để chuyển thành giọng nói, lật ngược ảnh, video, thêm hiệu ứng nhằm qua mặt các hệ thống quét.
Tình trạng này, theo bà Hằng, không chỉ ảnh hưởng về bản quyền mà còn tác động đến doanh thu của cơ quan báo chí. Dẫn báo cáo của một đơn vị thống kê doanh thu quảng cáo trên các nền tảng, bà cho biết các doanh nghiệp mạng xã hội có doanh thu quảng cáo khoảng 2,5 tỷ USD (80 nghìn tỷ đồng), trong khi doanh thu của các cơ quan báo chí khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2022. "Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tính trạng này là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang trở thành vấn nạn nhức nhối", bà đánh giá.
Theo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, việc bảo vệ bản quyền báo chí giúp nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của mình. Từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Ngoài ra, điều này cũng giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp chất liệu báo chí, giả mạo để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, bà Hằng đề xuất sáu giải pháp. Cụ thể, các nhà báo, cơ quan báo chí phải học hỏi, tìm công cụ số nhận diện được các kiểu vi phạm, kinh nghiệm đấu tranh nhằm bảo vệ bản quyền báo chí hiệu quả; đảm bảo quy định pháp lý về bản quyền và bảo vệ bản quyền số, bao gồm việc xây dựng luật bản quyền và quy định về bản quyền nội dung số; tòa soạn số cần có công cụ số theo dõi và bảo vệ bản quyền; hợp tác giữa các cơ quan báo chí, truyền thông và nền tảng công nghệ nhằm xây dựng công cụ bảo vệ bản quyền; tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm sáng kiến, đồng thời tăng cường đạo đức và văn hóa báo chí cho các nhà báo và người dùng, từ đó tuân thủ và có ý thức đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn