WeChat (hay còn có tên gọi Weixin tại Trung Quốc) là ứng dụng di động cho phép người dùng chat bằng video, âm thanh hoặc văn bản trực tiếp trên smartphone… hoạt động dưới dạng một cộng đồng như mạng xã hội. Đây là ứng dụng của Tencent, một trong những hãng phần mềm lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo nghiên cứu vừa được công bố bởi Citizen Lab, một viện nghiên cứu thuộc đại học Toronto (Canada), WeChat đang âm thầm theo dõi nội dung tin nhắn được gửi bởi người dùng WeChat ở nước ngoài (bên ngoài Trung Quốc), sau đó sử dụng thuật toán để lọc ra những nội dung nhạy cảm về chính trị để đưa vào hệ thống kiểm duyệt cho người dùng trong nước. Những nội dung này sau đó sẽ bị chặn và không được hiển thị khi gửi hoặc nhận bởi người dùng WeChat tại Trung Quốc.
Nhiều nghiên cứu trước đó đã xác định WeChat sử dụng các công cụ kiểm duyệt nội dung đối với người dùng và tài khoản đăng ký tại Trung Quốc, nhưng nghiên cứu của Citizen Lab lần đầu tiên cho thấy WeChat giám sát cả nội dung đối với người dùng quốc tế và ở bên ngoài Trung Quốc.
Vào đầu năm nay, một nghiên cứu của Citizen Lab cũng đã tìm ra bằng chứng cho thấy WeChat đã đưa vào “danh sách đen” kiểm duyệt hơn 500 từ khóa được cho là nhạy cảm và liên quan đến sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, bao gồm các từ khóa liên quan đến bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã đưa ra những cảnh báo đầu tiên về một loại virus mới giống virus SARS.
“Người dùng WeChat nên bắt đầu thấy lo lắng và đánh giá lại các rủi ro khi sử dụng ứng dụng này”, Ron Deibert, Giám đốc của Citizen Lab, cho biết.
Trước cáo buộc nhằm vào mình, Tencent, “cha đẻ” của WeChat đã đưa ra một thông báo và cho biết sẽ xem xét nghiêm túc báo cáo của Citizen Lab.
“Liên quan đến những báo cáo cho rằng chúng tôi giám sát nội dung của người dùng quốc tế, chúng tôi có thể xác nhận rằng tất cả các nội dung được chia sẻ giữa những người dùng quốc tế của WeChat là riêng tư”, Tencent cho biết trong một thông cáo đưa ra. “Là một công ty toàn cầu được niêm yết công khai, chúng tôi tuân thủ theo các tiêu chuẩn cao nhất. Các chính sách, quy trình của chúng tôi tuân thủ tất cả luật pháp và quy định tại mỗi quốc gia, nơi chúng tôi đang hoạt động”.
Nghiên cứu vừa công bố của Citizen Lab một lần nữa làm bùng lên những lo ngại về sự an toàn khi sử dụng các ứng dụng đến từ Trung Quốc. Trước đó, một ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc là TikTok cũng đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ vì lo ngại thu thập thông tin người dùng. Nhiều cơ quan chính phủ và lực lượng quân đội của Mỹ đã cấm nhân viên và binh sĩ sử dụng TikTok.
WeChat hiện là một trong những ứng dụng nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Tính đến quý 3/2019, WeChat đã có hơn 1,15 tỷ người dùng mỗi tháng. Tại Trung Quốc, WeChat không chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhắn tin mà còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như ví điện tử để thanh toán trực tuyến, trả tiền khi mua sắm hay gọi taxi…
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012, WeChat cũng đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhiều người dùng tại Việt Nam có hoạt động giao dịch với các đối tác Trung Quốc hoặc nhập hàng sỉ từ Trung Quốc về Việt Nam đều phải sử dụng WeChat để liên lạc. Tuy nhiên, WeChat đã từng nhiều lần bị tẩy chay tại Việt Nam khi người dùng phát hiện bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp.
Ngoài ra, không ít người dùng tại Việt Nam cho biết từ lâu đã “nói không” với WeChat vì lo ngại khả năng ứng dụng này bí mật theo dõi hay đánh cắp thông tin trên thiết bị của mình.
T.Thủy
Theo SCMP/CNBC
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn