Quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển của các phương tiện cá nhân khiến cho mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người.
Ở khu phía Bắc nước ta hiện tại đang là mùa gặt, nông dân dốt rơm rạ nhiều, trong khi đó ở khu vực phía Nam bị ảnh hưởng bởi cháy rừng tại Indonesia nên chất lượng không khí cả ở hai miền nước ta đang ở mức báo động.
Nếu cảm thấy lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và muốn biết mức độ “sạch” hiện tại ở khu vực nơi bạn đang sinh sống để có biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp thì ứng dụng PAM Air sẽ là giải pháp phù hợp.
PAM Air là ứng dụng miễn phí, sẽ cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) theo thời gian thực tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Dựa vào chỉ số này cho phép người dùng có thể sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp. Chẳng hạn nếu vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường hoặc phải mang khẩu trang khi đi ra đường...
Dữ liệu về chỉ số AQI được ứng dụng tính toán từ 2 nguồn: từ các thiết bị cảm biến chất lượng không khí do công ty D&L (công ty phát triển ứng dụng PAM Air) sản xuất, lắp đặt và vận hành và từ các nguồn dữ liệu khác mà PAM Air được phép thu thập và chia sẻ.
Hiện tại ứng dụng này hỗ trợ gần như đầy đủ các tỉnh, thành tại Việt Nam nên người dùng có thể sử dụng như một công cụ để tham khảo về tình trạng không khí tại nơi mình sinh sống hoặc những địa điểm mà người dùng chuẩn bị đến công tác hoặc du lịch.
Với người dùng Android, download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.1 trở lên). Với người dùng iOS, download ứng dụng miễn phí tại đây (tương thích iOS 9.0 trở lên).
Sau khi cài đặt, trong lần đầu tiên sử dụng, giao diện giới thiệu về ứng dụng sẽ được hiện ra, bạn nhấn nút “Skip” để bỏ qua giao diện này và truy cập vào giao diện chính của ứng dụng. Nhấn nút “Cho phép” từ hộp thoại hiện ra để cấp quyền cho phép ứng dụng có thể truy cập vào thông tin địa điểm trên smartphone (để có thể hiển thị tình trạng chất lượng không khí tại địa điểm người dùng đang sinh sống).
Mặc định giao diện của ứng dụng được hiển thị bằng tiếng Anh. Để chuyển ngôn ngữ mặc định trên ứng dụng về tiếng Việt, từ giao diện chính, bạn nhấn vào biểu tượng PAM Air ở góc dưới bên phải giao diện ứng dụng, sau đó chọn “Tiếng Việt” tại mục “Language” từ giao diện hiện ra.
Tại giao diện thiết lập này, bạn cũng có thể xem các định nghĩa về “Chỉ số chất lượng không khí” (AQI), cách tính AQI cũng như sự liên quan giữa AQI đến sức khỏe của con người... dựa vào các thông tin này, bạn có thể biết được chất lượng không khí hiện tại ở nơi mình đang sống có an toàn hay không.
Nhấn nút “Bản đồ” để quay trở lại giao diện chính của ứng dụng. Tại giao diện chính này sẽ hiển thị chỉ số AQI tại các thành phố lớn tại Việt Nam. Để xem chỉ số AQI tại địa điểm bạn đang sinh sống, bạn bấm vào biểu tượng dấu tam giác ở bên phải, sau đó chọn “Vị trí của tôi” từ menu hiện ra.
Lập tức ứng dụng sẽ tự động xác định vị trí của bạn (dựa trên thông tin GPS của smartphone) để hiển thị thông tin về chỉ số AQI tại vị trí bạn đang sinh sống. Trong trường hợp vị trí của bạn đang sống không có trạm đo để xác định chỉ số AQI, từ menu hiện ra bên trên, bạn chọn “Điểm đo gần bạn”, lập tức ứng dụng sẽ hiển thị đầy đủ chỉ số AQI tại các trạm đo ở gần khu vực bạn sinh sống nhất, từ đó bạn có thể biết được chỉ số về chất lượng không khí tại địa phương mình dang ở.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng khung tìm kiếm ở bên trên để có thể xem thông tin về chỉ số AQI tại các thành phố khác trên khắp cả nước. Tính năng này hữu dụng trong trường hợp bạn chuẩn bị đi du lịch hoặc công tác đến thành phố khác có thể biết được tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố đó để có giải pháp chuẩn bị phù hợp.
Nhìn chung, với sự giúp đỡ của PAM Air, bạn có thể biết được tình trạng ô nhiễm không khí tại nơi mình đang sinh sống để có thể chuẩn bị khẩu trang phù hợp khi đi ra đường hoặc hạn chế đi ra đường nếu không thực sự cần thiết trong trường hợp mức độ ô nhiễm không khí tăng cao.
Phạm Thế Quang Huy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn