Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), machine-learning giúp xây dựng nhiều tính năng, và mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có những mặt trái của nó khiến người ta bàng hoàng vì không biết đâu là thật, đâu là giả, lẫn lộn giữa thời đại công nghệ này.
Mới đây, một video giả mạo CEO Facebook là Mark Zuckerberg đã được phát tán trên mạng xã hội Instagram là một ví dụ khác cho thấy AI có thể dễ dàng qua mặt con người như thế nào.
Đoạn video lần đầu tiên được phát hiện bởi tài khoản Instagram @bill_postftimeuk và biết đến như một sản phẩm quảng cáo của một triển lãm có tên là "Spectre", nằm trong lễ hội liên hoan phim tài liệu Sheffield Doc Fest ở Anh.
"Hãy thử tưởng tượng điều này trong một giây", Zuckerberg "rởm" nói trong đoạn video - vốn đã được chỉnh sửa để trông giống như trong một clip thông báo chính thức. "Một người có thể có toàn quyền kiểm soát hàng tỷ dữ liệu bị đánh cắp của tất cả mọi người. Tất cả bí mật, cuộc sống của họ, tương lai của họ. Tôi nợ điều đó nhờ Spectre. Spectre cho tôi thấy rằng bất cứ ai kiểm soát dữ liệu, có thể kiểm soát tương lai."
Sau khi được chia sẻ trên mạng Instagram ít ngày, đoạn clip ngắn đã thu hút hàng ngàn lượt xem, lượt thích, và lượt chia sẻ.
Nếu nhìn kỹ vào từng thao tác, cử chỉ miệng trong đoạn video, chúng ta có thể thấy ngay một số chi tiết không trùng khớp, chẳng hạn như giọng nói của Zuckerberg "rởm" và cách mà miệng của anh ta di chuyển.
Tuy nhiên, với một người dùng phổ thông, hoặc những ai chỉ xem lướt qua, thì rất khó để nhận thấy sự khác biệt giữa "thật với giả". Điều này làm nổi bật mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với công nghệ deepfake, một dạng kỹ thuật hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để đóng giả khẩu hình, khuôn mặt của bất cứ ai, như chúng ta thấy trong đoạn clip.
Sau khi được phản hồi, người phát ngôn của Instagram cho biết sẽ xử lý thông tin này giống như cách mà họ xử lý tất cả các thông tin sai lệch trên nền tảng này. Nhưng cho tới nay, đoạn video vẫn được chia sẻ và phát tán mạnh mẽ.
Hồi tháng trước cũng có một vụ việc tương tự khi video deepfake giả làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được chia sẻ tràn lan trên mạng Facebook. Mặc dù vậy, thay vì xóa video, Facebook chỉ gửi đến thông báo cho người dùng rằng "đây là clip giả mạo".
Xa hơn vào năm ngoái, một video deepfake thậm chí giả làm cựu Tổng thống Barack Obama chửi bới và lăng mạ Tổng thống Donald Trump, cũng được chia sẻ nhiều trên mạng, trước khi người ta biết rằng nó chỉ là một dự án của BuzzFeed nhằm cảnh báo mối nguy hiểm từ công nghệ này.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn