Khi Apple phá vỡ ngưỡng 1.000 USD giá bán đối với phiên bản iPhone X hồi tháng 9 năm ngoái thì giới công nghệ và cả người tiêu dùng đều “ngán ngẩm” với mức giá quá cao. Người ta nghi ngờ liệu có bao nhiêu người sẽ chịu mất một khoản lớn từ ví tiền của họ để mua chiếc điện thoại đắt hơn rất nhiều so với 2 điện thoại iPhone khác cũng vừa bán ra thị trường là iPhone 8, 8 Plus. Tuy nhiên, dư luận đã hoàn toàn sai lầm. CEO Apple Tim Cook mới đây đã công bố iPhone X bán chạy hơn tất cả các iPhone khác kể từ khi sản phẩm này bán ra thị trường ngày 3/11/2017.
iPhone X mở đầu xu hướng tăng giá bán smartphone cao cấp.
Với doanh số iPhone X quá tốt, Apple đã chứng minh người tiêu dùng đang sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho điện thoại giống như họ vẫn chi để mua một chiếc laptop có cấu hình mạnh mẽ. Và với nhiều tin đồn gần đây về mẫu iPhone X Plus sẽ ra mắt trong tháng 9 tới có giá bán thậm chí còn cao hơn nữa, có vẻ như Apple đang thiết lập 1.000 USD chỉ là mức giá tối thiểu của một chiếc smartphone cao cấp.
Apple không đơn độc trong xu hướng đẩy giá điện thoại lên cao. Samsung, Huawei, thậm chí là hãng điện thoại giá rẻ OnePlus cũng đang tăng giá cho smartphone của mình.
Những chiếc smartphone cao cấp đang phải gánh các khoản chi phí lớn từ hoạt động R&D, linh kiện đắt đỏ hơn.
Chỉ trong 2 năm, giá bán điện thoại Galaxy của Samsung đã tăng 15,1%, tính từ phiên bản Galaxy S7 lên Galaxy S9. Trong khi đó, phiên bản Huawei P cũng tăng giá 33% từ năm 2016. Tuy nhiên, hãng tăng giá điện thoại lên mức cao nhất đó là OnePlus, tăng 32,6% tại thị trường Mỹ và 42,6% tại Anh.
Xu hướng sử dụng smartphone cao cấp đang ngày càng gia tăng khi mà những mẫu điện thoại này đang đảm trách toàn bộ các tác nhiệm, từ giao tiếp, công việc, chụp ảnh và giải trí. Sức mạnh xử lý, công nghệ camera, tuổi thọ pin, tốc độ kết nối Internet của smartphone đang được cải thiện sau từng thế hệ. Đó chính là giá trị mà người dùng muốn gắn kết trên một chiếc smartphone.
Giá bán của các smartphone đã tăng lên 15-40% trong năm qua.
Việc smartphone ngày càng tăng giá cũng có lý do của nó. Các linh kiện tốt hơn và nhanh hơn, như bộ vi xử lý, camera có giá thành đắt hơn. Chi phí nghiên cứu và phát triển các nguyên liệu mới cũng là một phần gánh nặng vào giá thành của thành phẩm cuối cùng. Hơn nữa, lạm phát cũng một phần ảnh hưởng đến giá bán của tất cả các hàng hoá, không chỉ riêng công nghệ.
Nhu cầu tăng dung lượng cho smartphone trong vài năm qua đã nâng lên đáng kể giá thành của sản phẩm. Các nhà cung ứng bộ nhớ đã buộc phải đầu tư để xây thêm nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu.
Bổ sung thêm các hệ thống camera phức tạp hơn, như camera trước cảm biến 3D của iPhone X, Huawei P20 Pro với 3 camera.. đang đẩy giá thành sản xuất lên cao. Cũng tương tự như sử dụng các vật liệu kính, ceramic hay hợp kim nhôm cho thân máy đang góp phần tăng giá của smartphone cao cấp.
Dù vậy, giới công nghệ vẫn cho rằng, chi phí R&D và lạm phát không ảnh hưởng lớn đến giá trị điện thoại. Bằng việc tăng giá điện thoại, Apple, Samsung và các hãng khác đang tạo ra một thị trường điện thoại “siêu cao cấp”, giúp đưa lại một khoản lợi nhuận lớn hơn. Điều này thực sự quan trọng với các nhà sản xuất khi mà người dùng đang có xu hướng dùng điện thoại lâu hơn, không thay mới trong vòng 3 năm, thậm chí là lâu hơn.
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn