MobiiStar
Phân khúc từ: 240 ngàn đồng - 3,79 triệu đồng
Thị phần: 2,96%
Đây là thương hiệu Việt có “chỗ đứng” cao nhất trong top những hãng chiếm lĩnh thị phần di động tại Việt Nam. Trong top 5, theo GFK tháng 7/2017, MobiiStar chiếm 2,96% thị phần, đứng vị trí thứ 4 sau Samsung, Oppo và Apple. Họ vượt mặt Sony, Huawei, Vivo và cả Asus.
Thương hiệu này tập trung sản xuất và bán ra thị trường theo tiêu chí giá bình dân và sản phẩm cấu hình mạnh. Tập trung mạnh ở phân khúc giá 3 đến gần 5 triệu đồng. Đây được xem là phân khúc có nhu cầu lớn ở Việt Nam. Hãng này cũng từng ra mắt các phân khúc cao tầm mức 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ sản phẩm làm thương hiệu để khẳng định vị trí thay vì tập trung bán ở phân khúc này.
Cách tiếp thị sản phẩm của thương hiệu này cũng khá khác biệt so với hầu hết các thương hiệt Việt khác trên thị trường. Họ tập trung vào một tính năng, hoặc xu hướng để lấy đó làm trọng tâm để quảng bá. Đi cùng đó, cách thay đổi sản phẩm lẫn thay đổi tính năng được chia sẻ dựa vào phản hồi của người dùng.
Một điểm khác mà CEO của hãng này cũng từng chia sẻ, họ tin vào văn hóa truyền miệng. "Khi khách hàng bỏ ra một số tiền mua sản phẩm, họ cần được biết nó thực sự tốt, thực sự mang trải nghiệm vượt trội so với số tiền họ bỏ ra. Họ tin rồi, họ sẽ nói cho bạn bè người thân của mình để mua sản phẩm của chúng tôi.". CEO của MobiiStar từng cho biết.
Hiện tại, phân khúc của MobiiStar vẫn tiếp tục tập trung ở sản phẩm giá phổ thông và chưa có sự thay đổi trong thời gian gần đây.
Masstell
Phân khúc: từ 200 đến 1,9 triệu đồng
Thị phần: 1,39%
Đây có lẽ là thương hiệu Việt mà ít người biết đến nhất khi nhắc đến. Thương hiệu Masstel thuộc Masscom, một công ty công nghệ Việt Nam ra mắt vào cuối năm 2014. Ban đầu thương hiệu này tập trung ở mảng máy tính bảng giá rẻ và nhanh chóng leo lên vị trí thứ 2, chiếm 19% thị phần trong quý II/2015 theo báo cáo của IDC.
Tính đến thời điểm này, thương hiệu Masstel cũng đã “đánh” vào thị trường điện thoại di động. Họ chiếm lĩnh 1,39% thị phần tính đến hết tháng 7/2017 theo GFK. Đây cũng là thương hiệu đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng này và đứng thứ 2 xét theo yếu tố thương hiệu Việt.
Điều làm người dùng ít biết đến Masstel bởi cách truyền thông của thương hiệu này dạng kín tiếng và hầu như chỉ xuất hiện khi có một sản phẩm mới ra mắt thông qua sự kiện của công ty. Bên cạnh đó, phân khúc Masstel lựa chọn đều ở phân khúc bình dân, dưới 2 triệu đồng. Đi cùng đó là các điện thoại cơ bản, hướng đến thị trường nông thôn nên hầu như không truyền thông theo cách các thương hiệu khác đang làm tại Việt Nam.
F-Mobile
Phân khúc: từ 400 đến 1,9 triệu đồng
Thị phần: 0,43 %
Đây cũng là thương hiệu Việt tồn tại khá lâu, kể từ thời Q-mobile, MobiiStar cho đến nay. Thương hiệu này thuộc tập đoàn FPT, ra mắt vào năm 2009. Ban đầu các sản phẩm bán chỉ là điện thoại cơ bản, tích hợp nghe nhạc, chụp ảnh và giá bán ở khoảng dưới 1 triệu đồng.
Đến nay, F-Mobile cũng tiếp tục trong phân khúc điện thoại cơ bản và dần mở ra các phân khúc điện thoại thông minh giá bình dân, tập trung ở mức giá từ 450 đến 2 triệu đồng.
Trước đó hầu như họ phân phối qua các hệ thống bán lẻ lớn. Tuy nhiên, hiện nay cách phân phối chủ yếu tập trung ở các kênh bán online và hệ thống cửa hàng nhỏ. Hiện tại, F-Mobile vẫn còn tiếp tục chiếm được thị phần tốt trong top, trong khi Q-Mobile ra mắt cùng thời điểm đã dần mất hút.
Q-mobile
Thị phần: chưa rõ
Trong khoảng giai đoạn 2009-2012, Q-Mobile là thương hiệu Việt đầy tiếng tăm, chỉ xếp sau mỗi Nokia. Thời điểm đó, những chiếc xe màu vàng nổi bật của Q-mobile chạy khắp phố phường để giao sản phẩm đến các cửa hàng trên toàn quốc.
Điểm làm nên thành công của Q-Mobile đó là mẫu mã đa dạng, hợp thị hiếu và giá mềm mại. Tuy nhiên, sau giai đoạn trên khi thời smartphone lên ngôi, Q-Mobile bắt đầu trược dài.
Sự chuyển mình chậm chạp, khả năng chuyển đổi theo xu hướng của Q-Mobile đón đầu nhu cầu thua kém các hãng khác. Chưa kể sự bành trướng của các ông lớn mới nổi thời điểm đó như Samsung, LG và một số thương hiệu Trung Quốc đã bóp chặt sự phát triển của Q-Mobile.
Ngay khi đánh rơi quá nhiều thị phần, hãng này tiếp tục trở lại với dòng Q-Smart, rồi tiếp tục Q-Smart Dream nhưng cái giá, cấu hình đều thua thiệt khiến công ty này tiếp tục rơi vào vòng lẩn quẩn.
Đến thời điểm này, Q-Mobile gần như mất hút trên thị trường, không còn trưng bày hay thậm chí có tên trong các sản phẩm của các nhà bán lẻ lớn. Ngay cả năm 2017, không còn bất cứ hoạt động truyền thông nào về sản phẩm.
(Còn tiếp)
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn