Theo Hojung Kim, phát ngôn viên của Samsung Display, tấm nền OLED mới này được cấu thành nhờ nhúng vào khung nhựa dẻo tăng cường, nhằm đạt được độ bền ấn tượng cùng khả năng bẻ cong.
"Khung viền gia cố bằng chất liệu plastic giúp nó đặc biệt thích hợp với các thiết bị điện tử cầm tay. Không chỉ bởi đặc tính không thể bị phá vỡ, tấm nền này còn có trọng lượng nhẹ, độ truyền dẫn tín hiệu, độ cứng, tất cả đều tương đồng với kính cường lực", ông Kim cho biết.
Sản phẩm này đã được chứng nhận bởi Underwriters Laboratory (UL) - công ty kiểm tra chất lượng thuộc Cục an toàn lao động và sức khỏe của Bộ Lao động Mỹ. Qua đó, đạt tiêu chuẩn quân sự, có thể "sống sót" sau 26 lần thả rơi ở độ cao 1,2 mét và nhiều lần ở độ cao 1,8 mét mà không bị trày xước, cũng như hư hại gì.
Công nghệ màn hình mới của Samsung cũng sẽ chịu được điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, cụ thể là từ âm 32 độ C tới 71 độ C, giúp màn hình vẫn hoạt động bình thường.
Theo giới chuyên môn, việc ra mắt công nghệ màn hình mới là bước đệm để Samsung tiến tới việc lắp ráp chúng trên "siêu phẩm" điện thoại có thể uốn cong đầu tiên của hãng, mà theo nhiều dự đoán trước đây là có thể sẽ xuất hiện ngay trong năm 2019 với cái tên Galaxy F (F là viết tắt của Fold, tức có thể gập uốn cong)
Ngoài việc ứng dụng trên màn hình smartphone, Samsung cũng kỳ vọng công nghệ này sẽ được sử dụng cho ôtô, thiết bị quân sự di động hay máy chơi game cầm tay. Theo Macrumors, tấm nền sẽ sớm được thương mại hóa do đã đạt chứng nhận của UL.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn