Kể từ Nghị định 100 có hiệu lực vào đầu tháng 1/2020, hàng loạt hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ dân nhậu và các tài xế chuyên đưa đón đã đồng loạt nở rộ.
Trong đó, có những nhóm dù mới chỉ thành lập ít ngày, nhưng đã thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thành viên. Xu hướng thảo luận chủ yếu xoay quanh việc không thể lái xe về vì có uống rượu, bia, nên tìm người chở về. Cùng với đó, hàng loạt #hashtag cũng xuất hiện trên mạng xã hội, như #SaygoixeXenhansay, #Lucdihetminhlucvegoixe,...
Theo tìm hiểu của phóng viên , đa số những nhóm này ngoài hoạt động trên Facebook, Zalo, thậm chí cả Telegram để tiện cho việc trao đổi, thống nhất thời gian, địa điểm, và chi phí.
Thông thường, các lái xe sẽ chủ động đưa ra mức giá mong muốn. Nếu cảm thấy hợp lý, hai bên sẽ liên hệ trực tiếp với nhau. Mức giá trung bình dành cho quãng đường dưới 10km thường là từ 300.000 đồng, 15km là 400.000 đồng, và 20km là 500.000 đồng.
Mặc dù mức giá trên là khá cao so với tiền đi taxi, hay sử dụng các dịch vụ bắt xe online như Grab, GoViet,.. song điểm lợi đó là dân nhậu sẽ được đưa về nhà bằng chính xe của mình. Bên cạnh đó, số tiền này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức phạt theo quy định mới của Nghị định 100.
Các nhóm này cũng phân ra theo nhiều khu vực, địa bàn để tiện hỗ trợ, trong đó chủ yếu là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng,...
Theo ghi nhận, đa số các hội nhóm này đều hoạt động phi lợi nhuận, chủ yếu giữ vai trò trung gian - kết nối người uống rượu bia và lái xe trên mạng xã hội với nhau.
Dẫu vậy, vẫn có những quy định khá chặt chẽ do admin (người đứng đầu hội/nhóm) đề ra, đặc biệt là với các tài xế tham gia, khi họ phải để lại thông tin thật gồm tên, địa chỉ, bằng lái xe, số hiệu xe,... Lý do là bởi người dùng thường lo ngại rất nhiều tình huống có thể xảy ra trên đường đi nếu nhờ tài xế lạ, chẳng hạn xe gặp nạn, mất tài sản, khách bị xâm hại...
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị lập biên bản xử phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn