Trong năm qua, Facebook đã cung cấp cho Cambridge Analytica - một công ty dữ liệu, được quyền sử dụng thông tin người dùng trong chiến dịch bầu cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump với hơn 87 triệu thông tin cá nhân của người dùng mà không có được sự đồng ý của họ. Google bị "tố" đã trả hàng chục triệu USD cho một CEO sau khi người này gặp phải một cuộc điều tra về hành vi sai trái tình dục. WhatsApp trở thành một điểm nóng của thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị và khiến nhiều người gặp nguy hiểm.
Đây chỉ là những vấn đề tiêu biểu trong một loạt các vụ scandal đình đám, khiến nhiều người thậm chí nhìn nhận 2018 là một trong những năm "đen tối" nhất trong lịch sử đối với lĩnh vực công nghệ.
Tháng 2: Uber và Waymo đưa nhau ra tòa vì những bí mật thương mại bị đánh cắp liên quan đến công nghệ xe tự lái.
Vào tháng 2/2018, Waymo - hãng xe tự lái thuộc Google, đã cáo buộc Uber đánh cắp các bí mật thương mại liên quan đến công nghệ xe tự lái của họ.
Vụ việc xoay quanh Anthony Levandowski, một kỹ sư cao cấp, người bị buộc tội lấy thông tin mật khi rời Google và mang thông tin đó đến cho Uber - khi anh ta gia nhập công ty.
Phiên tòa thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng công nghệ, do sự việc bao gồm hai trong số những công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon và thậm chí còn bao gồm lời khai từ cựu CEO Uber, ông Travis Kalanick. Kết quả, Uber chấp nhận trả Waymo số tiền bồi thường là 245 triệu USD.
Tháng 3: Hợp đồng Maven của Google Project Project hợp tác với Bộ Quốc phòng về công nghệ AI được tiết lộ.
Vào tháng 3/2018, một báo cáo của Gizmodo tiết lộ rằng Google đã có hợp đồng bí mật với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, được gọi là Project Maven.
Các nhà phê bình công nghệ AI tin rằng hoạt động này nếu lọt vào tay kẻ gian hay các tổ chức khủng bố, sẽ đóng vai trò gia tăng độ chính xác của các cuộc tấn công bằng tên lửa không người lái, dẫn đến thương vong cực lớn.
Hàng ngàn nhân viên của Google lúc bấy giờ đã ký một bức thư gửi cho CEO Google - Sundar Pichai, kêu gọi công ty chấm dứt hợp đồng. "Chúng tôi tin rằng Google không nên tham gia vào chiến tranh", họ nói.
Kết quả là vào tháng 6, sau khi đối mặt với áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, Google tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng hiện tại với DoD, và sẽ hết hạn trong năm 2019.
Tháng 3: Facebook thông báo 87 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối Cambridge Analytica.
Cũng trong tháng 3, một công ty công nghệ hàng đầu khác tại thung lũng Silicon là Facebook đã công bố rằng Cambridge Analytica - một công ty dữ liệu có trụ sở tại Anh và được sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump, đã bị xóa khỏi mạng xã hội vì xử lý sai dữ liệu người dùng.
Ban đầu, các báo cáo chỉ ra rằng có 50 triệu người dùng đã để lộ thông tin cá nhân của họ vào tay Cambridge Analytica, nhưng con số này sau đó đã tăng lên 87 triệu người dùng.
Scandal đình đám về vi phạm quyền riêng tư này đã dẫn đến nhiều phong trào tẩy chay sử dụng Facebook. Hastag #DeleteFacebook" xuất hiện rộng rãi trên rất nhiều phương tiện truyền thông.
Tháng Ba: Facebook bị đổ lỗi cho việc lan truyền phát ngôn gây thù hận trên mạng xã hội, gây ra thúc đẩy bạo lực đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar.
Cũng trong tháng 3, Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân đạo liên quan đã đổ lỗi cho Facebook vì đã không kiểm soát được sự lan truyền của tin tức giả mạo và ngôn từ thù địch trên nền tảng của họ. Điều này đã thúc đẩy bạo lực nhắm vào những người Hồi giáo Rohingya, một dân tộc thiểu số ở Myanmar.
Ước tính đã có hơn 700.000 người Rohingya phải chạy trốn khỏi Myanmar trong bối cảnh phong trào bạo lực được nhắm mục tiêu bao gồm giết người, hãm hiếp và đốt phá.
Tháng 4: Mark Zuckerberg được gọi tới Washington để làm chứng trước Quốc hội.
Sau hàng loạt bê bối liên tiếp liên quan tới thông tin xấu độc và quyền riêng tư người dùng, Facebook rơi vào cảnh khó khăn nhất kể từ khi công ty được thành lập năm 2011. CEO Facebook Mark Zuckerberg thậm chí bị triệu tập để làm chứng trước Quốc hội
Những vụ scandal được đưa ra thảo luận tại phiên chất vấn bao gồm việc sử dụng trái phép 87 triệu dữ liệu cá nhân của người dùng Cambridge Analytica, và tin tức giả mạo tràn lan trên Facebook - trong đó một số tin tức được cho là đã ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Zuckerberg phải đối mặt với 2 phiên điều trần kéo dài 5 giờ đồng hồ. Mặc dù có một đội ngũ riêng gồm nhiều chuyên gia pháp lý, giúp chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, song Mark Zuckerberg vẫn không thể trả lời một số câu hỏi khó.
Tháng 7: Google bị phạt mức kỷ lục 5 tỷ USD vì lạm dụng sự thống trị của hệ điều hành di động Android.
Google đã đón nhận một "cái tát" với khoản tiền phạt kỷ lục lên tới 5 tỷ đô la vào tháng 7/2018 vì lợi dụng sự phổ biến của hệ điều hàng Android làm đòn bẩy để khiến các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt sẵn ứng dụng Google trên thiết bị của họ.
Khoản tiền phạt này là kết quả sau một cuộc điều tra kéo dài 3 năm của tổ chức theo dõi chống độc quyền châu Âu. Đây cũng là đó là khoản tiền phạt lớn nhất đối với các vi phạm chống độc quyền mà nhóm này đã ban hành.
Mặc dù Google cho biết sẽ kháng cáo, nhưng công ty cho biết họ vẫn tuân thủ quyết định của EU trong thời gian này. Google đã chia sẻ một số thay đổi mà họ sẽ thực hiện để hạn chế độc quyền, bao gồm việc các nhà sản xuất điện thoại có thể lựa chọn cài đặt trước gói ứng dụng Google.
Tháng 9: CEO Tesla Elon Musk phải trả 20 triệu USD để giải quyết vụ kiện với SEC sau câu tweet "vu vơ"
Thiên tài nhưng khó hiểu, đó là những gì người ta nói về Elon Musk. Những trò đùa và câu nói "vu vơ" trên mạng xã hội Twitter khiến Musk nhiều lần "vạ miệng", xong ông vẫn không bỏ được tật xấu của mình.
Tháng 8, Musk hồn nhiên đăng tải một đoạn tweet với nội dung: "Đang xem xét việc tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD".
Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã ngay lập tức có những phán ứng cáo buộc Elon Musk đưa ra "những tuyên bố không đúng và gây hiểu nhầm" trong đoạn tweet của mình.
Vụ kiện khiến Musk đã phải trả cho SEC khoản tiền phạt 20 triệu USD và từ chức chủ tịch của Tesla. Mọi thứ chỉ đến từ một câu nói.
Tháng 9: Facebook thông báo bị hack kho dữ liệu cá nhân của 29 triệu người dùng
Một lần nữa Facebook tiếp tục là tâm điểm của dư luận sau khi thông báo về một lỗ hổng bảo mật trong tính năng "View As" của trang web, cho phép hacker truy cập vào hàng chục triệu tài khoản của người dùng. Lỗ hổng cũng cấp quyền truy cập vào bất kỳ tài khoản được liên kết như Instagram, Spotify, Tinder, Airbnb,...
Đây ngay lập tức được mệnh danh là vụ hack tồi tệ nhất trong lịch sử Facebook và phong trào #DeleteFacebook đã bùng nổ trở lại.
Hai tuần sau, Facebook tiết lộ rằng 29 triệu người đã bị ảnh hưởng và dữ liệu bị đánh cắp bao gồm một hỗn hợp thông tin cá nhân rất nhạy cảm, như ngày sinh, địa điểm đã đăng ký gần đây, số điện thoại, lịch sử tìm kiếm, v.v.
Tháng 10: Google che giấu lỗ hổng bảo mật của mạng xã hội Google+, ảnh hưởng dữ liệu cá nhân của 500.000 người dùng
Tháng 10/2018, tạp chí Phố Wall tiết lộ về lỗ hổng bảo mật được khai thác sau khi xảy ra một trục trặc phần mềm xảy ra trên nền tảng Google+ hồi tháng 3. Vụ việc được cho là đã tiết lộ thông tin cá nhân của khoảng 500.000 người dùng Google+.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết các giám đốc của Google đã quyết định giữ kín tin tức về vụ vi phạm dữ liệu khỏi công chúng, do sợ bị so sánh với vụ bê bối Cambridge Analytica đình đám của Facebook. Ngay sau đó, Google tuyên bố sẽ đóng cửa dịch vụ mạng xã hội Google+ không thời hạn.
Tháng 10: Google trả 90 triệu USD cho nhà sáng lập Android - Andy Rubin trong vụ án liên quan tới xâm phạm tình dục
Vào tháng 10, tờ New York Time bất ngờ tiết lộ thông tin gây chấn động, vạch trần toàn bộ scandal sex gây sốc, dẫn tới việc Google sa thải ông Andy Rubin - cha đẻ của hệ điều hành Android.
Bản báo cáo tiết lộ rằng Google đã trả số tiền 90 triệu USD cho Andy Rubin, mặc dù nguyên nhân của quyết định sa thải là do phát hiện bằng chứng cho thấy những hành vi quấy rối tình dục của ông Rubin với những nhân viên nữ tại công ty.
Andy Rubin được cho là đã đã gây áp lực đối với một nhân viên nữ và bắt quan hệ tình dục bằng miệng trong một khách sạn vào năm 2013. Ông cũng có quá khứ từng hẹn hò với nhiều người phụ nữ khác tại Google, mặc dù đã kết hôn.
Tháng 10: WhatsApp Brazil được sử dụng để chia sẻ các tuyên truyền sai lệch, tin nhắn rác và trò lừa bịp trước cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi của đất nước.
Giống như những lùm xùm xung quanh việc tin tức giả mạo trên Facebook ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, WhatsApp - một nền tảng thuộc sở hữu của Facebook - trở thành tâm điểm cho cuộc bầu cử Tổng thống Brazil trong tháng 10/2018.
Trước cuộc bầu cử diễn ra, nền tảng nhắn tin WhatsApp tràn ngập các tin nhắn rác được chuyển tiếp đã đưa ra thông tin sai lệch, giả định nhiều thuyết âm mưu và những trò lừa bịp, cũng như những tin tức sai sự thật liên quan tới cuộc bầu cử.
Sự việc tạo ra một mớ hỗn độn "thật - giả", khi mà có tới quá nửa dân số Brazil sử dụng mạng WhatsApp (120 triệu người dùng trên 210 triệu dân số) để liên lạc, theo dõi, chia sẻ thông tin.
Cuối cùng, Tổng thống giành chiến thắng thuộc đảng Jair Bolsonaro được xem là một ứng cử viên cực hữu - người đã thúc đẩy các quan điểm cực đoan về tra tấn, bình đẳng hôn nhân và các biện pháp bạo lực áp dụng trong cảnh sát.
Tháng 11: Hàng ngàn nhân viên Google trên toàn thế giới tổ chức biểu tình phản đối việc xử lý các trường hợp sai trái tình dục của công ty.
Hàng ngàn nhân viên của Google trên khắp thế giới đã tổ chức một cuộc đi bộ biểu tình vào tháng 11/2018 nhằm phản đối việc ban lãnh đạo công ty xử lý các trường hợp sai trái về tình dục.
Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi báo cáo của The New York Time tiết lộ Andy Rubin đã được Google trao 90 triệu USD để thôi việc sau khi ông bị điều tra về hành vi sai trái tình dục.
Những người biểu tình bày tỏ sự thất vọng của họ, bao gồm slogan khá phổ biến tại Google, "Đừng trở nên xấu xa".
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn