Nhiều thương hiệu lớn như Lidl, Mars, Cadbury,... đã đồng loạt ngừng chạy quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện thấy các video của mình bị tấn công bởi các đoạn clip ngắn chứa nội dung xâm phạm tình dục trẻ em.
Tạp chí Times là tờ báo đầu tiên phát hiện thấy vấn đề này, miêu tả "bằng chứng thu được từ YouTube đã gây sốc" với ảnh chụp màn hình ghi lại nội dung không phù hợp của những đứa trẻ từ độ tuổi từ 7-14 tuổi và dường như đã có sự can thiệp từ các bên thứ 3. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.
Nhiều nhân chứng cho biết các đoạn video quảng cáo thậm chí còn được tiếp tục đăng tải sau khi bị YouTube gỡ bỏ bằng cách sử dụng một tài khoản ảo khác. Vụ việc nổi lên trong bối cảnh nhiều phương tiện truyền thông như Google, Facebook, Twitter đối mặt các vấn đề về thông tin giả mạo và sự thiếu kiểm duyệt thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ.
Tuy vậy, đa số ý kiến từ các chuyên ra cho rằng đây chỉ là một lỗi kiểm duyệt không mấy nghiêm trọng và chưa lan rộng tới mức "nguy hiểm." Một bình luận thì cho rằng đội ngũ YouTube cần ngay lập tức liên kết với một tổ chức thực thi pháp luật để ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp này.
Đại diện của YouTube cũng đã bình luận về vấn đề trên, cho rằng đây là điều "đáng ghê tởm và không thể chấp nhận." Họ khẳng định sẽ cứng rắn hơn trong cách tiếp cận với các đoạn video và những bình luận chứa nội dung gây hoài nghi và tư tưởng không phù hợp. YouTube cũng cho biết đã làm việc với các tổ chức từ thiện và thực thi pháp luật để ngăn chặn việc những hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em sẽ không bị đăng tải lên, đồng thời "tăng cường trí thông minh nhân tạo, cũng như nguồn nhân lực và kỹ thuật" để làm việc này.
Hồi tháng 3 đầu năm nay, YouTube cũng từng đứng trước một vấn đề tương tự liên quan tới bộ nhận diện và lọc quảng cáo khiến hàng loạt hãng lớn như L’Oréal, Walmart, Starbucks, Volkswagen,... lên tiếng chỉ trích và thậm chí ngừng hợp tác với họ. Những công ty, tổ chức này rút quảng cáo khỏi YouTube vì cho rằng chúng bị đặt nhầm chỗ vào những video tiêu cực, không phù hợp.
Cần phải nói thêm rằng đây là một đòn giáng rất nặng với YouTube nói riêng và Google nói chung, bởi những đoạn quảng cáo và hợp đồng ký kết với các công ty lớn là yếu tố chính mang đến doanh thu cho công ty. Nếu không tính Mỹ, Anh là thị trường lớn nhất của Google nhờ đem về doanh thu 7,8 tỷ USD (chủ yếu từ quảng cáo) trong năm 2016. Con số này tương đương 9% doanh thu toàn cầu của "gã khổng lồ".
Google chắc chắn là đã làm việc vô cùng tích cực để ngăn chặn vấn đề trên. Chỉ có điều động thái rút quảng cáo mới đây của Mars, Deutsche Bank AG và Adidas AG chứng tỏ rằng nền tảng video lớn nhất thế giới vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối này một cách triệt để.
Việt Nam cảnh báo ngăn chặn YouTube vì nhiều video phạm luật
Liên quan tới vấn đề nội dung độc hại, không phù hợp trên YouTube nói riêng và mạng xã hội nói chung, mới đây, Việt Nam cũng tỏ ra vô cùng cứng rắn. "Sẽ buộc Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam". Đây là khẳng định của Bộ TT&TT khi ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới hồi đầu năm nay. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017, Google đã phối hợp với Việt Nam gỡ bỏ hơn 1.500 video độc hại và một lượng lớn những bài viết có nội dung xuyên tạc.
Cũng theo thông tin từ Bộ TT&TT, Bộ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp thông tin như Google, Facebook sẽ phải có đại diện tại Việt Nam, đồng thời, phải lắp đặt phần mềm để loại bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trước khi cung cấp vào Việt Nam. Nếu vi phạm, các đơn vị này không những bị buộc phải gỡ bỏ mà còn phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đại diện từ Bộ TT&TT cũng kêu gọi các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo chung bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu hoạt động quảng cáo trên mội trường mạng cũng như ủng hộ chủ trương của Bộ TT&TT, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, xây dựng môi trường Internet lành mạnh và bảo vệ bản quyền nội dung thông tin trên Internet.
Cần phải nói thêm rằng tại Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinamilk, Mead Johnson, Nutrition Việt Nam,... từng dừng quảng cáo trên YouTube vì lo ngại bị gắn với các đoạn video quảng cáo chứa nội dung xấu, độc hại.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn