Nghị định 49 sửa đổi của Chính phủ có hiệu lực từ 24/4 quy định rõ, các doanh nghiệp viễn thông (gọi tắt là nhà mạng), có trách nhiệm đảm bảo các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ đầy đủ các quy định. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Các nhà mạng phải xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu tập trung để nhập, lưu giữ, quản lý thông tin trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao, bao gồm: thông tin thuê bao; ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao; trạng thái hoạt động của thuê bao: đang hoạt động, tạm dừng dịch vụ một chiều... Đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác phải tiếp tục lưu giữ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tối thiểu 2 năm.
Các dữ liệu này sẽ kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an theo quy định của pháp luật.
Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, Nghị định quy định rõ nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Đối với các số thuê bao đã bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại điểm e khoản này, doanh nghiệp viễn thông có quyền cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu.
Theo Điểm 10 của Nghị định này, thông tin thuê bao mà người dân cung cấp chỉ được sử dụng cho các mục đích cụ thể sau: Phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông; Phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.
Ngoài những mục đích trên, thông tin thuê bao di động đều phải được bảo mật tuyệt đối. Nhà mạng không được tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nếu tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Sẽ phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng về hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Bên cạnh đó, Nghị định 49 quy định nhà mạng còn phải thực hiện đầy đủ việc đối chứng thông tin và hoàn tất giao kết hợp đồng theo quy định. Nếu chấp nhận thông tin thuê bao di động do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền; Không thông báo hoặc không yêu cầu thuê bao thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu đối với cá nhân sử dụng nhiều hơn 3 số thuê bao di động trả trước; Không thực hiện ủy quyền việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này; thì bị phạt nặng từ 80 đến 100 triệu đồng.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn