Ngày 16/11, dịch vụ được trông chờ nhất trong năm trong lĩnh vực viễn thông đã chính thức được khởi chạy. Dịch vụ này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ngày đầu tiên, lượng người đến để chuyển đổi dịch vụ cực ít.
Khảo sát một số điểm giao dịch của các nhà mạng tại TPHCM, lượng khách hàng đến cửa hàng trong ngày đầu dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đều không có nhiều thay đổi. Trao đổi với , một nhân viên tại cửa hàng Viettel trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh cho biết, chỉ có một người đến đăng kí chuyển đến nhà mạng Viettel, một số khách thì hỏi các ưu đãi, giá cước khi chuyển từ nhà mạng khác đến… Theo quan sát, khách hàng đến lác đác, chủ yếu để đóng cước, đăng ký thuê bao mới.
Cửa hàng MobiFone trên đường Nguyễn Du, quận 1, TPHCM cũng tương tự, số lượng đến đóng cước dịch vụ là chính và hầu như chỉ có vài khách hỏi thăm dò về dịch vụ chuyển đổi mạng giữ nguyên số.
Lý do cho việc lác đác khách quan tâm trong ngày đầu, một đại diện nhà mạng giấu tên cho biết, thực tế hôm nay là ngày triển khai dịch vụ cho các thuê bao trả sau. Hầu hết các thuê bao trả sau thường là công nhân viên chức, người đi làm… Nên họ không quá vội để bỏ dỡ công việc trong tuần để đi chuyển mạng giữ nguyên số. Tuy nhiên, ngày mai, tức thứ 7, chủ nhật, là những ngày nghỉ thì khách đến để chuyển đổi số sẽ tăng lên.
Đại diện một nhà mạng khác cũng cho biết, nếu người dùng thực tế muốn chuyển đổi trong ngày đầu có lẽ là họ bức xúc với phía nhà mạng hoặc có một lý do khác thôi thúc phải chuyển đổi. Do đó, việc không đông đúc là hoàn toàn dễ hiểu. Tất nhiên, dịch vụ này không thể so với các Nghị định 49 vừa qua khi lượng khách xếp hàng chen chúc đăng ký lại thông tin thuê bao di động.
Trong ngày đầu tiên, các nhà mạng lớn đều cho biết các công tác về hạ tầng kỹ thuật như phần mềm tính cước, kênh bán hàng, hoàn thành các khai báo định tuyến với các nhà mạng trong nước, quốc tế đều suôn sẻ vì đã chuẩn bị từ khá lâu. Tuy nhiên chia sẻ về số liệu tỉ lệ rời mạng và gia nhập mạng thì đều cho biết chưa thể thống kê trong ngày đầu tiên nhưng nói chung chung rằng, tín hiệu tốt!
Thực tế, việc triển khai giữ nguyên số chỉ triển khai cho thuê bao trả sau trong giai đoạn đầu, chỉ chiếm khoảng 5% tổng thuê bao, điều này cũng không có sự tác động quá lớn đối với các nhà mạng và thị trường viễn thông. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn lấy đà mà các nhà mạng đang tập trung cao độ để hút khách hàng khi chính thức triển khai dịch vụ này vào đầu tháng 1 năm 2019, khi áp dụng cho tất cả các thuê bao di động, bao gồm trả trước.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, dịch vụ chuyển mạng triển khai theo mô hình cơ sở dữ liệu tập trung. Các nhà mạng sẽ cập nhật thông tin về thuê bao chuyển mạng tại Cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống thiết bị của mình để phục vụ cho việc định tuyến cuộc gọi, tin nhắn… đến các thuê bao đã chuyển mạng.
Trong giai đoạn đầu việc triển khai với thuê bao trả sau, chiếm khoảng 5% tổng thuê bao để có các đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.
Đại diện từ Cục Viễn thông cũng cho biết, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, DN viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Dịch vụ này được đánh giá sẽ tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của người dùng, bởi dịch vụ giúp người dùng di động có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao. Nếu như dịch vụ của nhà mạng chính không tốt, chất lượng chăm sóc khách hàng kém sẽ khiến tỉ lệ rời bỏ nhà mạng sẽ cao. Do đó, việc triển khai này sẽ tạo nên một bức tranh mới cho thị trường viễn thông Việt Nam.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn