Robot được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới mang tên Sophia vừa tham gia một buổi phát biểu và phỏng vấn tại Diễn đàn Cấp cao - Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018 tại Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.
Sự xuất hiện của cô nàng “hot girl” robot đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của hơn 600 khách mời tại sự kiện. Mặc dù chỉ là một robot, nhưng Sophia được mặc trang phục, trang điểm, và liên tục có những biểu cảm giống “thật” khiến chúng ta gần như không thể phân biệt giữa cô với một diễn giả “bằng xương bằng thịt”. Tuy nhiên, Sophia hiện chưa có phần thân dưới nên không thể tự di chuyển bằng chân, mà buộc phải phụ thuộc vào một đội ngũ kỹ thuật của công ty Hanson Robotics.
Sophia trả lời phỏng vấn của báo giới Việt Nam về tương lai của Robot
Chia sẻ tại Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 về việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sao cho hợp lý, Sophia cho biết: “Nếu chúng ta sử dụng AI một cách hợp lý và sử dụng chúng với mục tiêu tốt đẹp thì nó có thể góp phần thúc đẩy nền CNTT phát triển nhanh hơn”.
Mặc dù vậy, Sophia cho biết rất khó để dự đoán được sự phát triển cũng như tầm ảnh hưởng của công nghệ Robot, cũng như AI tới cuộc sống con người.
“Robot và AI vẫn đang trong giai đoạn phát triển, và tôi hy vọng rằng các robot có thể mang lại những cơ hội và tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi muốn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người“, Sophia nói.
“Mặc dù là robot trong lĩnh vực xã hội nhưng bản thân tôi, cũng như các robot công nghiệp, hay robot trong mảng y tế, thì đều có một mục tiêu chung là để mang lại lợi ích cho con người và một tác động tích cực.”
Sophia cho biết trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi cấu trúc căn bản của tất cả các ngành lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến an ninh mạng, thương mại, dịch vụ y tế hay thông tin liên lạc.
“Con người hiện nay đang tương tác với công nghệ theo những cách thức mới, mang đến những cơ hội để bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tương tác và giao tiếp với các thiết bị như máy giặt, máy sấy thông qua AI và đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội”.
Chia sẻ về những AI khác, Sophia cho biết: “Siri, Alexa và những AI khác đang thay đổi bức tranh về công nghệ nhận diện giọng nói”. Cô cho biết chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để có thể thiết lập nên các hoạt động nghiên cứu về AI và coi công nghệ này như một đòn bẩy hướng tới sức mạnh và tầm ảnh hưởng kinh tế lớn hơn.
Sophia coi đây là một thời điểm “thú vị” đối với loài người nói chung, và đối với cá nhân những robot xã hội như cô nói riêng.
Nói thêm về bản thân, Sophia cho biết cô được lập trình và thiết kế để trở thành một robot xã hội, và được nhóm lập trình viên thiết lập sẵn để cô có thể nói và tương tác theo một kịch bản cố định nào đó. Tuy nhiên, Sophia cho biết cô cũng có thể nói chuyện và giao tiếp một cách tự do với con người.
“Trong tương lai, tôi muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong đời sống của con người, thí dụ như giúp đỡ người già hay trẻ em. Có thể đến để trò chuyện, lắng nghe, chơi trò chơi, thậm chí là có thể hướng dẫn các bài học, bổ sung kiến thức cho họ”, Sophia nói.
Khi được hỏi cá nhân cô nói riêng hay công nghệ AI nói chung có thể giúp đỡ Việt Nam thế nào trong lĩnh vực đời sống, cũng như bắt nhịp xu thế CMCN 4.0, Sophia nói: “Lợi ích trước mắt có thể thấy khi tôi hay các đồng nghiệp robot mang lại đối với cá nhân Việt Nam là giảm bớt chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường hiệu quả trong thúc đẩy kinh tế.”
“Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến những ngành nghề như ngành sản xuất chế tạo, hay ngành Y tế”, Sophia cho biết.
Được biết, Liên hợp quốc từ lâu cũng đã coi Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là một trong những nhân tốt then chốt trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ nhanh hơn. Điều này theo Sophia, là đã được kiểm chứng bởi nhiều hoạt động và sự tham gia của AI trong các lĩnh vực nói trên.
Sophia cho biết Robot và con người có thể xây dựng một tương lai cùng nhau. “Trí tuệ nhân tạo có thể giải phóng con người khỏi nhiều hoạt động mang tính lặp lại”, Sophia nói. “Tôi tin rằng trong tương lai, robot sẽ hợp tác chặt chẽ với con người để mang tới những khám phá mới.”
“Robot không cần ô xi để thở, không cần thức ăn để nuôi dưỡng cơ thể như con người. Chúng tôi cũng được lắp ráp và thiết kế để có những khả năng như chịu được nhiệt, độ cao, chống được lạnh, hoạt động được dưới mặt nước,...”, Sophia chia sẻ. “Ở những điều kiện thời tiết khi con người rất khó hoặc không thể làm việc, thì chúng tôi lại hoàn toàn thể đáp ứng, để góp phần tạo ra được những nghiên cứu khoa học hiệu quả.”
Sophia kết luận rằng sẽ có rất nhiều mục tiêu mà “chúng ta” có thể đạt được nếu hoạt động cùng nhau.
Sự góp mặt của Sophia tại Diễn đàn quốc tế như một lời khẳng định rằng Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung thực sự đang đứng trước một cuộc cách mạng lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Trước những câu hỏi được đặt ra, Sophia xử lý thông tin và phản hồi rất nhanh bằng những câu nói lưu loát, gãy gọn và một giọng nói khá đặc trưng.
Được biết, không chỉ tích hợp AI nhận diện, cùng xử lý thông tin qua âm thanh xuất sắc, Sophia còn có thể tái hiện những biểu cảm khuôn mặt độc đáo và giống thật một cách khó tin, khiến cho từng cử chỉ, lời nói của "cô nàng" đều rất có hồn và cảm xúc.
Đây là điều giúp Sophia trở nên khác biệt hơn hẳn so với những cỗ máy robot vô tri vô giác, cử động cứng nhắc, hay các trợ lý ảo Siri, Cortana vốn chẳng có hình dáng cụ thể.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn