Phát hiện nhiều mẫu điện thoại Samsung có dấu hiệu giả mạo
Gần đây trên Internet xuất hiện nhiều quảng cáo liên quan đến việc chào bán Galaxy S10+ chính hãng với mức giá dưới 4 triệu đồng. Khi người dùng tìm hiểu và truy cập vào một website có tên là Samsungvietnam.online, nhiều mẫu sản phẩm có dấu hiệu nhái thương hiệu Samsung được chào bán ở mức giá rẻ mạt, có thể kể tên như Galaxy Note10+, Galaxy A10 hay Galaxy S10+...
Trước phản ánh của người dân, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với trinh sát cùng Phòng PA05 công an TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh điện thoại Di động số tại địa chỉ số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Công ty TNHH RELEX Việt Nam do ông Lê Đình Sỹ sinh năm 1993 làm Giám đốc.
Qua kiểm tra đã phát hiện công ty này đang sử dụng các 16 website để kinh doanh điện thoại không có nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm chính hãng.
Thông qua các chứng cứ và sổ kế toán tự lập, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đã mua 19 chiếc Samsung Galaxy S10+ từ Lạng Sơn với giá 1,35 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng và bán qua các website như samsungvietnam.online với mức giá từ 1,8 triệu đồng cho đến 3,5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng cho biết, tại cửa hàng còn có 02 chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy A70; 01 chiếc điện thoại Samsung Galaxy S10; 01 chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 9. Giám đốc công ty này tự nguyện khai báo đó là hàng nhái điện thoại Samsung chính hãng được mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số điện thoại di động không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc và các tài liệu liên quan và tiếp tục có buổi làm việc với ông Đinh Quang Sỹ để làm rõ các vấn đề liên quan.
Mua rồi ôm hận
Trao đổi với , một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh smartphone Android cho biết, thực tế việc mua bán các mặt hàng nhái, giả mạo thương hiệu đã có từ rất lâu. Vài năm trở lại đây, người dùng thường xuyên nghe đến các dòng sản phẩm Galaxy Đài Loan với mức giá chưa bằng 1/3 so với gía bán chính hãng. Đi cùng là những lời rao "có cánh" về một phiên bản y chang thiết kế, cấu hình mạnh mẽ và chụp ảnh đẹp không thua kém. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nó hoàn toàn tệ hơn những lời quảng cáo.
Chủ cửa hàng này cho biết, các sản phẩm này thường sử dụng chất liệu tái chế, kém chất lượng để làm vỏ và nó không sắc sảo như hàng thật. Chưa kể, các linh kiện điện tử cũng không phải là hàng tốt nên thời gian sử dụng không được lâu.
Một vấn đề mà người này cũng chỉ ra, đó là chất lượng của Pin khi kết hợp cùng những linh kiện, dây sạc... chưa qua kiểm chứng bởi cơ quan chức năng, được bán trôi nổi trên thị trường sẽ dễ gây nguy hiểm đến người tiêu dùng. Chất lượng pin kém có thể khiến máy dễ dàng gây cháy nổ sau thời gian dài sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dùng. Nếu có sự cố xảy ra, thiệt hại lớn nhất đó là người dùng mà không được bất cứ cơ quan nào bảo vệ vì hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
"Tôi thấy nhiều người vẫn biết đó là hàng nhái nhưng vẫn mua. Có lẽ giá bán quá rẻ cùng nhiều lời có cánh đã khiến họ lóa mắt và xuống tiền. Họ vẫn nghĩ rằng tiền nào của nấy nhưng thực tế, họ không biết nó nguy hiểm tiềm tàng như thế nào.", chủ cửa hàng này nói.
Lấy một ví dụ gần đây, vị này cho biết, câu chuyện người dùng bị lừa mua Apple Watch giá 250 ngàn đồng. Nhiều người biết đó là hàng nhái nhưng tin lời người rao là đồng hồ này nhái 1:1 với Apple Watch và có các chức năng nhận và nghe cuộc gọi, xem Facebook, đo nhịp tim... Nhưng thực tế khi nhận hàng, đó là một chiếc đồng hồ điện tử dành cho trẻ con, chỉ nhấp nháy đèn hiển thị đồng hồ mà không có bất cứ tính năng nào. Việc đổi trả, đòi quyền lợi đều khó khăn và nhiều người phải chấp nhận bỏ đi vì giá trị thấp.
Đừng ham rẻ!
Đó là khẳng định của hầu hết các cửa hàng chuyên kinh doanh smartphone. Một đại diện nhà bán lẻ có tiếng ở TPHCM nói rằng, nếu như một chiếc điện thoại được bán rẻ hơn từ 30-50% so với giá bán mặt bằng chung, người dùng nên phải tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: "Vì sao lại rẻ đến như vậy?".
Thực tế, vị này cho biết đó hầu hết là hàng nhái, hàng kém chất lượng bởi chiết khấu cho một chiếc điện thoại bán ra thị trường chỉ có 10-15%. Nhiều cửa hàng muốn kích cầu thì sẽ cắt đi khoảng này trong thời gian nhất định để thu hút khách. Vì vậy, không thể có một mức giá rẻ hơn 30 hay 50% và thậm chí giá rẻ chưa đến 1/3 giá bán của sản phẩm.
Một đại diện bán lẻ khác cũng chia sẻ, việc mua một chiếc điện thoại hiện nay, người dùng không nên ham rẻ mà nên chú trọng đến chất lượng dịch vụ, hậu mãi về sau để đảm bảo quyền lợi. Việc mua các thiết bị nhái thương hiệu không chỉ khiến mất an toàn khi sử dụng mà còn mất cả quyền lợi về sau.
Huy Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn