Kẻ vấp ngã, người tăng số
Chỉ vài tháng qua, thị trường di động đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xếp hạng thị phần của các nhà sản xuất di động trên toàn cầu đang kinh doanh tại Việt Nam. Trong 3 tháng gần nhất, Huawei bất ngờ ngã ngựa khi đang tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm. Việc đánh mất thị phần của Huawei do tác động từ cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, khiến người dùng lo lắng và ngại mua sắm.
Cái xui rủi của Huawei là cơ hội lớn cho các thương hiệu Trung Quốc khác biết chớp lấy cơ hội. Trong đó nổi lên có Xiaomi, từ tháng 7 năm nay đến hết tháng 9, báo cáo GFK đã cho thấy thương hiệu này có sự tăng trưởng vượt bậc, lên 8% thị phần của tháng 7 và đến tháng 9, con số này đã lên đến 10,7%. Qua đó giúp Xiaomi chiếm vị trí thứ 3 hãng nắm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua cả Apple.
Sự thành công của Xiaomi được các đại diện bán lẻ cho rằng, nhà sản xuất này năm nay có dải sản phẩm rộng và định giá phù hợp túi tiền người dùng.
Một thương hiệu khác cũng đáng nhắc đến đó là Vivo, chỉ vài tháng qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh và hiện nắm hơn 5% thị phần tại Việt Nam. "Vivo tăng số không quá bất ngờ bởi họ đã vào được chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam, giúp cho số tăng trưởng tốt. Năm nay chiến lược mời ngôi sao và các chương trình thúc đẩy doanh số cũng được chạy nhiều hơn, qua đó giúp hãng này tăng trưởng nhanh gần đây", đại diện một nhà bán lẻ chia sẻ.
Đi cùng đó, các báo cáo GFK cũng cho thấy, phân khúc 3-5 triệu đồng, hay 5-7 triệu đồng, là phân khúc di động nóng bỏng nhất Việt Nam hiện nay. Nhìn qua các thống kê, hầu như 7/10 các thương hiệu góp mặt trong danh sách đều đến từ Trung Quốc với những sản phẩm cùng cấu hình, cùng tính năng và khác biệt chỉ là giá bán. Và có thể thấy cuộc chiến về giá bán ở phân khúc này vô cùng khốc liệt đến từ các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Tất nhiên các ông lớn khác như Samsung, trong những tháng đầu năm đến nay vẫn tiếp tục duy trì được thị phần bất chấp những “tuyệt chiêu" cạnh tranh từ các đối thủ đến từ Trung Quốc. Năm nay có lẽ là năm chứng kiến hãng này tung rất nhiều dòng sản phẩm tầm trung A Series, nhằm bảo vệ thị phần. Các dòng A mới liên tục được tung ra như Galaxy A20S, A30, A30s, A50, A50s... đều được nâng cấp mạnh mẽ từ camera cho đến chất lượng hình ảnh. Chiêu bài nâng cấp sản phẩm, gia tăng “đẻ con" vẫn tiếp tục thành công với Samsung đến thời điểm này.
Thương hiệu Việt đang làm gì?
Đến nay, thị trường di động chỉ còn đúng 2 thương hiệu Việt đó là Bphone và Vinsmart. Tuy nhiên, Bphone vẫn đang tiếp tục "nghiên cứu thị trường" và chưa có bất cứ động thái nào trong việc ra mắt sản phẩm mới. Tất nhiên, Bphone không dừng lại, đó là điều được xác nhận bởi ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav. Ông này đã khẳng định, Bphone 4 sẽ ra mắt vào đầu năm 2020 và kế hoạch từ nay đến hết cuối năm vẫn chưa được tiết lộ nhưng chắc một điều sẽ không có bất cứ sản phẩm nào được chào đời.
Còn lại đó là Vinsmart, công ty này đã gây được ấn tượng mạnh trong những tháng đầu năm với dải sản phẩm mới, cấu hình tốt, giá hợp lý. Tuy nhiên, gần đây các sản phẩm Vsmart thế hệ 2 dù có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa bứt phá lên được. Một nhà bán lẻ cho rằng: "Vsmart có sản phẩm tốt đấy, người dùng không phải không đón nhận nhưng có lẽ giá bán vẫn chưa địch lại các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Vì vậy, họ cần có chiến lược về giá để bình dân hóa sản phẩm".
Chia sẻ rõ hơn, vị này lấy một ví dụ điển hình đó là Vsmart Live gần đây, giá ra mắt gần 7 triệu đồng. Nếu xét về cấu hình thì không thua kém nhưng mức giá vẫn còn chênh lệch một chút so với các sản phẩm khác từ Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây hãng này bất ngờ giảm 50% giá bán, khiến sản phẩm gần như cháy hàng ngay lập tức. Thậm chí những khách hàng mua trước, Vsmart cũng tặng lại một phiếu mua hàng 1,5 triệu đồng nhằm mục đích tri ân. Do đó, không thể nói không ủng hộ mà vấn đề về giá thực sự là bài toán mà Vsmart cần xem lại.
Một đại diện bán lẻ khác cũng có chung nhận định và cho rằng, chiến lược của Vsmart là chiến lược dài hơi với những chính sách hỗ trợ, thậm chí là giảm giá gần đây không mang lại bất cứ lợi nhuận nào cho hãng này. Tuy nhiên nhìn sâu hơn sẽ thấy, một thương hiệu mang tiếng quốc gia họ chấp nhận việc không coi trọng giá bán, ảnh hưởng đến giá trị kinh tế và cả danh tiếng thì mục tiêu chính muốn phổ cập điện thoại đến với người dùng, tạo cạnh tranh. "Đây là một cuộc cạnh tranh sống còn. Những bước đi mới từ thương hiệu Việt này đang cho thấy họ không chỉ là bán hàng mà tôi nghĩ đó là việc hướng đến cả ngành công nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam", vị này nhận định.
Theo các thông tin trước đó, trong năm 2019 hãng này sẽ tung ra đến 12 sản phẩm. Và như vậy, cuối năm nay người dùng sẽ đón nhận thêm một số sản phẩm mới. Tuy nhiên, hầu hết người dùng đều kỳ vọng giá bán sản phẩm sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị trường. "Tất nhiên với tinh thần dân tộc đang dâng cao như hiện nay, việc lựa chọn một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia không khó, cái khó là chính sách chiến lược giá phải phù hợp túi tiền", vị đại diện bán lẻ nhận định.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ còn cho biết, thị phần di động năm nay sẽ tiếp tục sôi động đến hết năm 2019. Những tháng cuối năm, các thương hiệu đang rục rịch tung sản phẩm và đây là giai đoạn cạnh tranh quyết liệt nhất trong năm.
Vũ Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn