Sau hơn bốn năm đầu tư vào vũ trụ ảo metaverse, Meta thua lỗ với số tiền khổng lồ, tương đương mức vốn hóa của nhiều công ty lớn.
Theo Insider, Meta đang gặp khó khăn trong nỗ lực hiện thực hóa metaverse. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy Reality Labs, bộ phận chuyên nghiên cứu vũ trụ ảo của Meta, lỗ 46,5 tỷ USD kể từ 2019. Khoản lỗ tăng từ 5 tỷ USD trong năm đầu tiên lên hơn 10 tỷ USD cuối 2021. Đến 2022, công ty lỗ tiếp 14 tỷ USD và chỉ 9 tháng đầu năm 2023 đã mất thêm 11,5 tỷ USD.
"Con số này của Reality Labs sẽ còn tăng đáng kể trong 2024. Đa số thương vụ đầu tư nhằm phục vụ nghiên cứu dài hạn. Các sản phẩm hoàn thiện chỉ có thể xuất hiện trong thập niên tiếp theo", đại diện Meta xác nhận.
Số tiền Meta dành cho vũ trụ ảo lớn hơn vốn hóa của nhiều doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ, như Ford (45 tỷ USD), Hershey (39 tỷ USD) hay Kraft Heinz (39 tỷ USD). Con số 46,5 tỷ USD cũng vượt qua khối tài sản ròng của các doanh nhân nổi tiếng như CEO Nvidia Jensen Huang (36 tỷ USD), nhà đồng sáng lập Nike Phil Knight (39 tỷ USD) và Ken Griffin (35 tỷ USD) và tương đương 50% tài sản của Mark Zuckerberg, CEO Meta.
Tuy nhiên, theo Fortune, tình hình bết bát của Reality Labs không ảnh hưởng tới Zuckerberg, vì phần lớn tài sản của ông nằm dưới dạng cổ phiếu. Trong năm nay, cổ phiếu Meta tăng giá 136,8%, giúp tài sản của vị tỷ phú cũng tăng 130%, từ 59 tỷ lên 105 tỷ USD, đưa Zuckerberg vào top 10 người giàu nhất hành tinh.
Mark Zuckerberg, CEO Meta. Ảnh: CNet
Hiện các sản phẩm metaverse của Meta chưa đạt sức hút như kỳ vọng. Doanh số của Reality Labs, bao gồm cả kính thực tế ảo Meta Quest, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vũ trụ ảo Horizon Worlds vẫn chật vật giữ chân người dùng.
Dù vậy, CEO Meta Mark Zuckerberg tiếp tục khẳng định vị trí của vũ trụ ảo trong kế hoạch phát triển công ty. "Hai làn sóng công nghệ lớn là AI trong hiện tại và metaverse trong tương lai", ông nói. "Đây là màn đánh cược dài hạn. Tôi không thể đảm bảo mình đúng, nhưng metaverse là mục tiêu mà thế giới hướng đến". Zuckerberg cũng cho rằng bài toán lớn với ngành công nghệ trong thập kỷ tới là tìm ra phương pháp giúp thế giới thực kết nối vũ trụ ảo một cách hoàn hảo nhất.
Cũng theo báo cáo tài chính quý III/2023, khoản thua lỗ từ Reality Labs được Meta bù đắp bởi mảng kinh doanh ứng dụng. Công ty đạt tổng doanh thu 95 tỷ USD và lợi nhuận 30 tỷ USD từ đầu năm. Trong thời gian đó, Meta phát triển thêm hai sản phẩm là kính thực tế ảo Quest 3 và kính tích hợp trí tuệ nhân tạo Ray Ban, nhằm hỗ trợ người dùng khi sử dụng mạng xã hội của công ty.
"Các loại kính sẽ làm phong phú hệ sinh thái của chúng tôi. Người dùng có thể nắm bắt và chia sẻ nội dung hấp dẫn từ góc nhìn thứ nhất", Susan Li, Giám đốc Reality Labs, nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn