George Floyd - một người đàn ông da màu quốc tịch Mỹ, đã tử vong vào ngày 25/5 khi bị 4 cảnh sát bắt giữ tại thành phố Minneapolis do nghi ngờ sử dụng một tờ tiền giả trị giá 20 USD. Floyd bị cảnh sát viên Dereck Chauvin ghì đầu gối lên cổ và giữ trong nhiều phút, dù ông đã kêu khóc rằng mình không thở được và cầu xin giúp đỡ.
Trước cái chết của Floyd, một số người dùng Internet, chủ yếu là giới trẻ, bắt đầu đăng ảnh họ ghì đầu gối vào cổ của một người khác đóng giả làm Floyd, và nói rằng đây là một phần của “Thử thách George Floyd” (George Floyd Challenge).
Những bài viết này đã bị cộng đồng mạng chỉ trích, đưa ra lập trường đanh thép chống lại chúng vì ủng hộ trào lưu mang tính chất kích động bạo lực.
Facebook và Instagram là những mạng xã hội đầu tiên lên tiếng phản đối trào lưu này, thông qua việc xoá bỏ tất cả những bài đăng có chứa hashtag “George Floyd Challenge”. Tuy nhiên, dân mạng vẫn tìm được cách để đăng và chia sẻ những video và hình ảnh về trào lưu này.
Ngay sau đó, Twitter cũng cho biết sẽ xử lý triệt để những tweet khuyến khích, quảng bá thử thách cũng như những tweet tha thứ, đồng cảm với hành vi này. “Thử thách George Floyd” đã vi phạm quy định về hành vi lạm dụng và tự gây hại bản thân của Twitter”, phát ngôn viên Twitter cho biết.
Facebook thì cho rằng các bài viết trên mạng xã hội này bị gỡ vì “vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng” và khuyến khích tham gia vào thử thách có rủi ro cao.
Tuy nhiên, một số bài đăng cùng ảnh chụp màn hình của trào lưu này vẫn được chia sẻ tràn lan và dễ dàng bắt gặp trên Twitter, Facebook, Snapchat,... với hashtag được thay đổi liên tục nhằm tránh bị mạng xã hội tìm ra và xoá bỏ.
Ngoài ra, trào lưu này còn lan sang cả mạng TikTok, thậm chí liên tục đạt thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm và chưa có dấu hiệu bị kiểm soát.
Ít nhất 3 thanh niên tại Anh đã bị bắt giữ vì đăng tải những nội dung liên quan tới “George Floyd Challenge” lên mạng xã hội.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn