Sau một thời gian dài nghiên cứu, phát triển, lịch sử Internet Việt Nam ghi nhận ngày 19/11/1997 là ngày mà quốc gia hình chữ S kết nối với xa lộ thông tin của thế giới. Trong suốt gần 20 năm qua, Internet đã có những tác động trực tiếp, làm thay đổi nhiều quan niệm và lối sống của con người Việt Nam.
Theo đó, không chỉ bản thân đường truyền Internet, mà ngay cả mạng di động cũng có những biến chuyển mang tính cách mạng trong suốt thời gian qua, giúp người tiêu dùng Việt Nam hội nhập, tiếp cận ngày một gần hơn với xu thế công nghệ trên thế giới và trong khu vực.
Từ căn bản với mạng thông tin di động 1G
1G là mạng thông tin di động không dây cơ bản đầu tiên trên thế giới. Nó là hệ thống giao tiếp thông tin qua kết nối tín hiệu analog được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm đầu thập niên 80s. 1G sử dụng các ăng-ten thu phát sóng gắn ngoài, kết nối theo tín hiệu analog tới các trạm thu phát sóng và nhận tín hiệu xử lý thoại thông qua các module gắn trong máy di động. Chính vì thế mà các thế hệ máy di động đầu tiên trên thế giới có kích thước khá to và cồng kềnh do tích hợp cùng lúc 2 module thu tín hiện và phát tín hiệu như trên.
Tiêu biểu cho thế hệ mạng di động 1G là các thiết bị thu phát tín hiệu analog to và khá kềnh càng. Tuy nhiên khi mạng 1G trở nên phổ biến trên thế giới, thì tại Việt Nam vẫn chưa thực sự được nhiều người biết đến. Vào thời điểm này, hầu hết người Việt đều sử dụng điện thoại bàn với kết nối có dây, chỉ một bộ phận nhỏ được trang bị những chiếc bộ đàm có tần số từ 136-174MHz để liên lạc qua không dây.
Những bước đầu tiên cùng 2G
Bước hội nhập đầu tiên của Việt Nam với mạng di động được đánh dấu bằng công nghệ GSM (Global System for Mobile Communication) được sử dụng trên điện thoại di động (khoảng đầu năm 2006), và cũng trùng với thời điểm Internet xuất hiện trên toàn cầu.
Là thế hệ kết nối thông tin di động mang tính cải cách cũng như khác hoàn toàn so với thế hệ đầu tiên, mạng 2G sử dụng các tín hiệu kỹ thuật số thay cho tín hiệu analog của thế hệ 1G và được áp dụng lần đầu tiên tại Phần Lan. Do đó, cũng không lấy làm ngạc nhiêu khi hầu hết điện thoại 2G được sử dụng trên thế giới thời bấy giờ lại là những chiếc Nokia "huyền thoại", đã làm mưa làm gió suốt một thời gian dài cho tới khi bị thay thế hoàn toàn bởi smartphone.
Mạng 2G mang tới cho người sử dụng di động 3 lợi ích tiến bộ trong suốt một thời gian dài: mã hoá dữ liệu theo dạng kỹ thuật số, phạm vi kết nối rộng hơn 1G và đặc biệt là sự xuất hiện của tin nhắn dạng văn bản đơn giản – SMS. Theo đó, các tin hiệu thoại khi được thu nhận sẽ đuợc mã hoá thành tín hiệu kỹ thuật số dưới nhiều dạng mã hiệu (codecs), cho phép nhiều gói mã thoại được lưu chuyển trên cùng một băng thông, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Song song đó, tín hiệu kỹ thuật số truyền nhận trong thế hệ 2G tạo ra nguồn năng lượng sóng nhẹ hơn và sử dụng các chip thu phát nhỏ hơn, tiết kiệm diện tích bên trong thiết bị hơn… Cũng trong giai đoạn này, người ta bắt đầu thấy những chiếc điện thoại di động có kích thước nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, kiểu dáng đa dạng,... Cho tới nay thì mạng 2G vẫn được sử dụng làm phương thức liên lạc chính để phục vụ nhu cầu gọi điện, nhắn tin.
Khi mạng di động hội nhập cùng Internet
Với sự hội nhập cùng Internet, con người cảm thấy chỉ nghe gọi, nhắn tin SMS trên điện thoại qua 2G là không đủ. Một vài năm sau, GPRS (General Packet Radio Service), hay còn gọi là 2.5G được ra đời với vai trò là là mạng viễn thông đời đầu giúp máy người dùng kết nối được với internet.
Dù có tốc độ khá chậm và cũng đã ra mắt khá lâu nhưng thuật ngữ GPRS chắc chắn đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ 7X, 8X khi thực sự mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới, khi lần đầu tiên được biết Internet là gì, cũng như sử dụng GPRS để tải các ứng dụng trò chơi, tải nhạc, gửi văn bản MMS,... trên chiếc BlackBerry hay chiếc Nokia của mình.
Một khái niệm rất dễ bị hiểu lầm với mạng 2.5G, đó là là mạng E, hay EDGE (viết tắt của Enhanced Data rate for GSM Evolution), mà ngay cả giờ đây chúng ta vẫn hay thấy xuất hiện trên smartphone khi đi vào những khu vực sóng 3G yếu, sóng không ổn định. Mạng E trên thực tế là GPRS nâng cao, hay còn gọi là 2.75G (giữa 2.5G & 3G). Đây là giao thức viễn thông làm nền tảng cho sự phát triển của 3G và 4G sau này, tuy có tốc độ kết nối internet chậm nhưng giao thức này vẫn còn phổ biến vì nó là nền tảng phát triển cho 3G và 4G thậm chí là 5G trong tương lai.
Bên cạnh điều chế GMSK, EDGE dùng phương thức điều chế 8-PSK để tăng tốc độ dữ liệu truyền lên thành 384 kbit/s, nhanh hơn khá nhiều so với mạng 2.5G. Nhưng cũng chính vì thế, để triển khai EDGE, các nhà cung cấp mạng phải thay đổi trạm phát sóng BTS cũng như là thiết bị di động so với mạng GPRS.
"Quả bom" 3G
3G, viết tắt của 3rd Generation/ UMTS (Universal Mobile Telecomm. System), đóng vai trò là thế hệ truyền thông di động thứ ba, tiên tiến hơn hẳn các thế hệ trước đó. Nó cho phép người dùng di động truyền tải cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (tải dữ liệu, gửi email, tin nhắn nhanh, hình ảnh, âm thanh, video clips…
Trong số các dịch vụ của 3G, điện thoại video thường được miêu tả như là lá cờ đầu. Giá tần số cho công nghệ 3G rất đắt tại nhiều nước, nơi mà các cuộc bán đầu giá tần số mang lại hàng tỷ Euro cho các chính phủ. Bởi vì chi phí cho bản quyền về các tần số phải trang trải trong nhiều năm trước khi các thu nhập từ mạng 3G đem lại, nên một khối lượng vốn đầu tư khổng lồ là cần thiết để xây dựng mạng 3G.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã rơi vào khó khăn về tài chính và điều này đã làm chậm trễ việc triển khai mạng 3G tại nhiều nước ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi yêu cầu về bản quyền tần số được bỏ qua do phát triển hạ tâng cơ sở IT quốc gia được đặt lên làm vấn đề ưu tiên nhất.
Và cũng chính Nhật Bản là nước đầu tiên đưa 3G vào khai thác thương mại một cách rộng rãi, tiên phong bởi nhà mạng NTT DoCoMo. Tính đến năm 2005, khoảng 40% các thuê bao tại Nhật Bản là thuê bao 3G, và mạng 2G dần đi vào lãng quên trong tiềm thức công nghệ tại Nhật Bản.
Trong khi đó tại Việt Nam, dù xuất hiện nhiều trong các đề án hồi cuối năm 2006 đến đầu 2008, nhưng mãi tới tháng 10/2009, mạng 3G mới lần đầu tiên được phủ sóng bởi VinaPhone ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương và Vũng Tàu. Vào tháng 12/2009, MobiFone cũng tiếp bước VinaPhone để phủ sóng 3G tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ban đầu 3G được dự kiến là một chuẩn thống nhất trên thế giới, nhưng trên thực tế, thế giới 3G đã bị chia thành 4 phần riêng biệt, đó là UMTS (W-CDMA), CDMA 2000, TD-SCDMA, và Wideband CDMA.
Ngoài ra, người dùng còn quen thuộc với biểu tượng H, hay H+ xuất hiện khá nhiều. Đây thực chất là mạng HSPA, hay 3G tăng cường. Đây chính là giao thức chuẩn 3G khi nó đạt tốc độ internet lên tới 7,2Mbps, giúp cho các thiết bị có hỗ trợ chuẩn này có thể dễ dàng lướt web một cách mượt mà. Với HSPA, người dùng có thể xem video trên YouTube mà không cần bộ nhớ đệm.
Còn H+ là viết tắt của (Evloved High Speed Packet Access) – tăng cường của HSPA giúp cải thiện khoảng 40% so với kí hiệu H bình thường.
4G (LTE) đánh dấu tiêu chuẩn mới cho Internet di động tại Việt Nam
4G, là công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 - 1,5 Gbit/s. Trong năm 2017, 4G đã được phủ sóng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước Việt Nam. Tuy nhiên nhìn rộng hơn thì công nghệ này đã được thế giới công nhận và sử dụng tử rất lâu.
Công nghệ 4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây. Các nghiên cứu đầu tiên của NTT DoCoMo cho biết, điện thoại 4G có thể nhận dữ liệu với tốc độ 100 Mbit/s khi di chuyển và tới 1 Gbit/s khi đứng yên, cũng như cho phép người sử dụng có thể tải và truyền lên các hình ảnh, video clips chất lượng cao. Mạng điện thoại 3G hiện tại của DoCoMo có tốc độ tải là 384 Kbit/s và truyền dữ liệu lên với tốc độ 129 Kbit/s.
Tính tới tháng 8/2017, hơn 80.000 trạm thu phát sóng 4G đã và đang được triển khai nhằm mục tiêu phủ sóng 4G trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đồng thời triển khai nhiều gói cước hấp dẫn có giá thậm chí rẻ hơn mạng 3G truyền thống, hướng đến một tương lai tất cả người dùng chuyển sang sử dụng mạng 4G, và thậm chí là 5G trong những năm tới.
Nhìn lại toàn bộ chặng đường phát triển của mạng di động tại Việt Nam dưới sự tác động của Internet, có thể thấy rằng chúng ta đã có những thay đổi lớn trong thói quen sử dụng chiếc điện thoại nhỏ bé. Từ những nhu cầu đơn giản như nghe gọi, nhắn tin, giờ đây bất cứ ai đều cần nhiều hơn khi muốn truy cập vào Internet để lướt web, gọi video, lướt Facebook, gửi email, xem video, hay chơi game trực tuyến.
Nếu không có những bước đầu hội nhập đầy khó khăn, đánh dấu sự nỗ lực và nhiệt thành của những nhà mạng cung cấp dịch vụ cùng mục đích mang đến nhiều ưu đãi và làm thay đổi thói quen của người dùng di động Việt Nam, thì có lẽ giờ đây chúng ta đã ở một khoảng cách còn xa hơn nhiều so với sự phát triển chung trên thế giới.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn