Trong 2 năm trở lại đây, thị phần các điện thoại Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam. Minh chứng rõ nét nhất theo báo cáo của GFK mới đây cho thấy, thị phần của các điện thoại Trung Quốc đang nắm giữ tại Việt Nam chiếm hơn 40% thị phần, còn lại là của Samsung 41,4% và Apple chỉ 8,6%…
Sự tăng trưởng mạnh của các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã được dự báo từ trước với phân tích từ công ty Counterpoint Research, thị trường smartphone Việt Nam đã tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với phân khúc trung cấp phần lớn là do các thương hiệu Trung Quốc chiếm lĩnh trong năm 2017.
Các thương hiệu của Trung Quốc không chỉ đánh "lẻ tẻ” ở một vài phân khúc như trước đây mà họ tập trung nguồn lực, sản phẩm, phủ các phân khúc với giá thành cạnh tranh hơn, hậu mãi nhiều hơn và tích hợp nhiều công nghệ mới để hút người dùng. Sự lên ngôi của các thương hiệu Xiaomi và Huawei gần đây bên cạnh Oppo là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi khá nhiều cho bức tranh di động tại Việt Nam.
Chính những sự thay đổi đó đã kéo theo các thị trường “ăn theo” cũng phải theo đổi hợp thời. Ông Nguyễn Thanh Hùng, điều hành chuỗi phụ kiện Bengo cho biết, 2 năm trở lại đây thị trường phụ kiện trong nước có nhiều chuyển biến, người dùng không chỉ mua các ốp lưng dành riêng cho Samsung, Apple mà họ đã hỏi rất nhiều các ốp lưng cho những thương hiệu Trung Quốc hơn.
“Sự chuyển biến rõ rệt nhất là năm nay, khi nhu cầu người dùng mua phụ kiện ốp lưng cho các mẫu smartphone Trung Quốc đang tăng rất mạnh, các cửa hàng buộc phải nhập về để đáp ứng nhu cầu đó. Tính riêng 9 tháng qua, lượng ốp lưng bán cho các thương hiệu Trung Quốc chiếm hơn 50% số lượng bán ra khi so với các mẫu đến từ Samsung và Apple”, ông Hùng nói thêm.
Tuy vậy, ông Hùng cũng cho biết, việc các phụ kiện Trung Quốc lên ngôi tại Việt Nam cũng kéo theo những hệ lụy mà người dùng cần cẩn thận hơn trong việc lựa chọn mua phụ kiện.
Cụ thể, các thiết bị đến từ Trung Quốc đều sử dụng nền tảng Android và sử dụng chuẩn sạc microUSB. Chỉ riêng dòng cao cấp mới dùng USB Type-C. Trong đó, dây sạc microUSB được bán đầy rẫy với giá nào cũng có, từ 10 ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng. Đây là một khe hở rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người dùng.
Theo ông Hùng, một chiếc cáp sạc có thương hiệu phải từ 200 ngàn đồng trở lên nhưng các sạc đểu thì chỉ vài chục ngàn là sở hữu ngay. Đối với người dùng phổ thông sẽ không thể phân biệt chất lượng của những chiếc dây này, dù hình thức có xấu hơn đôi chút. Nhưng khi dùng thiết bị chuyên dụng đo cường độ dòng điện, những dây cáp đểu thường có cường độ dòng diện xuống dưới 4,25V sẽ không bao giờ sạc đầy các thiết bị có pin trên 3.000 mAh. Những chiếc cáp đểu này luôn tồn tại những nguy hiểm, có thể tăng cường độ dòng điện lên bất thường, gây chập, gây cháy dẫn đến tử vong.
Theo một chủ cửa hàng phụ kiện trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM, thực tế người dùng đi mua cáp sạc cho smartphone dưới 5 triệu đồng chẳng quan tâm đến thương hiệu cho lắm. Điều họ quan tâm là giá mềm, sạc được là được. Rất ít người hỏi về các mẫu cáp sạc chất lượng tốt hơn giá trên 100 ngàn đồng. “Dù tôi có khuyến khích chuyển sang các cáp sạc có thương hiệu, an toàn nhưng nhiều khách nói là tốn kém. Họ bảo điện thoại có bao nhiêu tiền đâu mua mấy cáp sạc đắt tiền để làm gì”, Chủ cửa hàng này nói.
Theo một số cửa hàng, việc khiến nhiều người dùng không quan tâm đến chất lượng và giá bán của các phụ kiện bởi họ thiếu thông tin và kiến thức về an toàn khi sử dụng các thiết bị điện tử. Tuy vậy, các cửa hàng này khuyến cáo đã đến lúc nên suy nghĩ lại tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Bị giật điện tử vong khi vừa cắm sạc vừa đeo tai nghe khi ngủ
Minh chứng vừa qua ở Malaysia, Mohd Aidi Azzhar Zahrin, một thiếu niên 16 tuổi tại thị trấn Rembau, Malaysia đã tử vong vì điện giật. Lý do thiếu niên này bị điện giật là đã đeo tai nghe nghe nhạc trong lúc ngủ và chiếc tai nghe này được kết nối với 1 chiếc điện thoại đang được cắm sạc.
Kiểm tra y tế cho thấy, trên thân thể của Mohd không hề có dấu hiệu bị thương ở bên ngoài, ngoại trừ phần tai trái là có vài vết bỏng. Khám nghiệm tử thi sau đó đã xác nhận nguyên nhân cái chết là do điện giật đến từ chiếc điện thoại và dây sạc kém chất lượng. Trong năm 2017 ở Việt Nam cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị giật chết người vì vừa sạc pin điện thoại vừa dùng.
Vì vậy, nười dùng nên thực sự nghiêm túc trong việc lựa chọn phụ kiện để đảm bảo an toàn cho chính mình và gia đình. Một vấn đề rất quan trọng mà nhiều người không để ý đó là chất liệu sử dụng để chế tạo các ốp lưng trên đều không rõ nguồn gốc và thậm chí là chất liệu nhựa tái chế độc hại để hạ giá thành sản phẩm. Việc tiếp xúc với những chất liệu tái chế không nguồn gốc trong thời gian dài sẽ rất nguy hại về sau chứ không diễn ra ngay lập tức.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn