Giải pháp công nghệ cho các vấn đề môi trường
STEM (Science – Technology – Engineering – Math/ Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật- Toán học) là một định hướng giáo dục mang tính thực tiễn và tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao. Bắt đầu từ ý tưởng của Giáo sư Vũ Hà Văn (Giáo sư Toán của Đại học Yale), Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup, dự án Đại học VinUni đã triển khai đưa chương trình STEM vào các trường THPT ở Việt nam thông qua việc hình thành các CLB STEME.
Các CLB STEME không nhồi nhét kiến thức mà tiếp cận học sinh theo các chủ đề thực tế và đòi hỏi các em phải tư duy theo 4 bước (i) Xác định các vấn đề ‘đau đầu’ đang xảy ra trong thực tiễn (ii) Tự hỏi, suy ngẫm làm cách nào để có thể giải quyết vấn đề đó (iii) Cùng bạn bè lên các phương án giải quyết vấn đề và (iv) Cùng chọn 1 phương án đơn giản khả thi để bắt tay vào hành động.
“Chỉ sau 6 tháng kể từ khi triển khai thí điểm chương trình tại các trường THPT trên toàn quốc, chúng tôi đã xây dựng được 20 CLB với 500 học sinh lớp 10, 11 tham gia. Các học sinh đã tiến bộ rất nhiều và chúng tôi đã nhận được rất nhiều dự án rất sáng tạo, rất thực tế.” PGS Tiến sĩ Phạm Ngọc Nam, Giám đốc chương trình Kỹ thuật – Công nghệ dự án Đại học VinUni vui mừng chia sẻ.
“Làm thế nào để học sinh giảm bớt việc xả rác trong trường học”? “Có thể sử dụng mô hình thủy canh để trồng rau trong các căn hộ chung cư thành phố không”? “Làm thế nào để giám sát mức độ ô nhiễm bụi trong thành phố”? “Có nên nuôi tảo, làm nông nghiệp thông minh để giảm lượng khí CO2 trong môi trường?”. Đó là các câu hỏi xác định “trúng” và “đúng” các vấn đề về môi trường học đường và môi trường tự nhiên hiện tại của Việt Nam của các em học sinh đến từ các trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chu Văn An, Trung học Vinschool, THPT Trần Phú, THPT Chuyên Hà Tĩnh, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa… Điều đáng tự hào nhất là các học sinh không chỉ trăn trở với các vấn đề, mà đã tìm cách vận dụng các kiến thức đã học được tại CLB STEME để tìm cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ.
Sau STEM là E (Entrepreneurship - Khởi nghiệp)
“Trên thực tế, rất nhiều ý tưởng khoa học rất hay đã bị “chết yểu”, không đưa ra được cuộc sống. Nhiều khi lý do chỉ vì tác giả không thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ vốn, hoặc không biết cách tổ chức bộ máy để triển khai ý tưởng của mình. Đứng từ góc độ xã hội thì đây là một sự lãng phí chất xám rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã đưa chữ E (Entrepreneurship) vào chương trình, cài nhúng tinh thần khởi nghiệp, đam mê ‘chiến đấu’ vì ý tưởng của mình cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Ths. Lê Đình Hiếu, Giám đốc Tuyển sinh của Dự án Đại học VinUni chia sẻ.
Qua thời gian 6 tháng triển khai, các giáo viên của Chương trình đều nhận thấy việc các học sinh ở lứa tuổi 16-17 có được một ý tưởng tốt, biết cách làm việc nhóm, biết thiết kế sản phẩm và trình bày thuyết phục về sản phẩm đó không hề dễ dàng. Chính vì vậy, dự án Đại học VinUni đã giành những giải thưởng rất hấp dẫn để ghi nhận thành công ban đầu của học sinh. Đội xuất sắc nhất sẽ giành được giải thưởng hấp dẫn là một chuyến đi thực tế tại Trung tâm Khoa học Singapore, thăm Công ty Google và Trường Đại học Công nghệ Nanyang.
Giao lưu “Sẵn sàng cho tương lai - cùng VinUni”
Một thực tế hiện tại là số học sinh THPT quan tâm đến các ngành nghề STEM ít hơn nhiều so với ngành nghề kinh doanh quản lý, tài chính ngân hàng. Ngay cả khi đã quan tâm đến STEM, các em cũng không hình dung được STEM thì sẽ giúp các em có những cơ hội nghề nghiệp như thế nào trong tương lai. Mắt xích còn yếu trong hệ sinh thái này chính là sự kết nối giữa Trung học và Đại học, giữa Học thuật và Doanh nghiệp.
Chính vì vậy, ngày hội STEME của dự án Đại học VinUni sẽ thiết kế một cầu nối để trả lời các câu hỏi “hóc búa” với các học sinh và cha mẹ, thầy cô trong thời điểm hết sức quan trọng của mỗi học sinh THPT. Các câu hỏi sẽ xoay quanh các vấn đề mấu chốt như: Ngành học nào sẽ tạo nên xu hướng của tương lai, có nhiều công việc và sự nghiệp tốt?; Vì sao cùng học một ngành tại một trường, cùng tốt nghiệp đại học, có những cử nhân được tuyển dụng ngay và có những cử nhân thì chật vật thất nghiệp?; Vì sao cùng làm một công ty và cùng một xuất phát điểm, có những người mãi vẫn thu nhập 80 triệu/năm và có những người bật lên thành đạt thu nhập 80 triệu/tháng?; Nếu thực sự có khát vọng và năng lực, người trẻ nên khởi nghiệp sớm hay nên tiếp tục làm thuê? Nhà đầu tư chọn dự án khởi nghiệp như thế nào?
Những câu hỏi này sẽ được chia sẻ và giao lưu trong buổi trò chuyện “Sẵn sàng cho tương lai - cùng VinUni”. Khách mời của buổi giao lưu là các gương mặt nổi tiếng như “Shark” Thái Vân Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures; Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo - VinAI Research và Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng đầu tiên của VinUni.
Chương trình đưa giáo dục STEME tới học sinh THPT là một cấu phần của “Đề án Hỗ trợ Đào tạo Nguồn lực Khoa học Công nghệ Việt Nam” của Tập đoàn Vingroup. Với định hướng đem những mô hình đào tạo tinh hoa trên thế giới ứng dụng vào việc giảng dạy, các CLB STEME tại các trường THPT không những trang bị kiến thức, kỹ năng về STEM cho học sinh mà còn hình thành, đào tạo các phẩm chất thiết yếu của người công dân toàn cầu trong thế kỷ 21 như Tinh thần khởi nghiệp (Entrepreneurship mindset) và Kỹ năng Học tập (Study Skills). Ngày hội STEME là điểm nhấn tổng kết giai đoạn 1 của Chương trình, tạo đà cho các giai đoạn tiếp theo với mong muốn thu hút thêm sự tham gia và đồng hành của học sinh và phụ huynh trên khắp cả nước
Báo cáo đầu năm 2019 của Tổ chức Nghiên cứu về khoa học và công nghệ của Khối thịnh vượng Chung cho thấy Việt Nam cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực STEM từ nay đến năm 2020. Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel và sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước như Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ với VinFast, VinTech, VinSmart… cho thấy chưa bao giờ lĩnh vực STEM trong nước “khát” nhân lực như hiện nay.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn