Uber hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận sau vụ việc một kỹ sư đang làm việc tại công ty được cho là đã tự sát. Gia đình nạn nhân sau đó đã cáo buộc rằng môi trường làm việc căng thẳng tại Uber, cộng với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là những tác nhân chính gây ảnh hưởng tới tâm lý và tinh thần của Joseph Thomas, dẫn tới việc tự sát tại nhà riêng.
Bà Zecole Thomas, vợ của kỹ sư kể trên thậm chí đã thuê một luật sư để yêu cầu khoản trợ cấp bồi thường cho người lao động - điều mà theo bà là xứng đáng được hưởng sau sự việc gây tranh cãi của người chồng quá cố. Tuy nhiên theo tờ San Francisco Chronicle, Uber đã phủ nhận cáo buộc của Zecole Thomas sau khi chồng bà qua đời hồi tháng 8 - sau hơn 5 tháng làm việc cho công ty.
Được biết trong quá khứ, Uber từng đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt trong môi trường làm việc, được miêu tả như "những kẻ theo chủ nghĩa phân biệt giới tính", "hạ thấp nhân phẩm" - vốn là những điều rất nhạy cảm trong văn hóa Mỹ, đến nỗi họ thậm chí đã phải thuê hẳn một giáo sư thuộc trường Đại học Harvard để giúp nâng cao văn hóa công ty.
Mặc dù các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định nguyên nhân hình thành nên ý định tự sát của nạn nhân, nhưng gia đình Thomas khẳng định làm việc tại Uber đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khoẻ tâm thần của ông, và công ty phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Nhằm đáp trả cáo buộc trên, đại diện của Uber lý giải rằng Thomas chưa làm việc tại công ty đủ lâu để nhận được các khoản bồi thường đến từ tai nạn lao động có liên quan đến vấn đề tâm lý, tâm thần kém ổn định dựa theo bộ luật phê chuẩn tại bang California. Mặc dù vậy, luật sư của gia đình Thomas - ông Richard Richardson, nói rằng có một ngoại lệ cho những trường hợp như Thomas, và gia đình ông có thể nhận được khoản bồi thường lên tới 722 ngàn USD.
Trước khi qua đời, Thomas làm việc như một kỹ sư phần mềm cho công ty có trụ sở tại San Francisco. Theo lời kể từ gia đình nạn nhân, người đàn ông 33 tuổi này đã bỏ qua cơ hội làm việc tại Apple, để lựa chọn đến với Uber vì tin vào tiềm năng phát triển của một startup trẻ tuổi.
Tuy nhiên giấc mơ của ông đã nhanh chóng bị đánh sập. "Tính cách của chồng tôi đã thay đổi hoàn toàn", bà Zecole Thomas trả lời phỏng vấn. "Ông ấy tự dằn vặt về công việc đến mức không thể tin nổi. Ông ấy nói rằng mình không thể làm tốt điều gì."
Cha ông, Joe Thomas, nói thêm rằng con trai ông đã làm việc miệt mài trong một thời gian dài với nỗi lo bị mất việc. "Con trai tôi trước đây luôn là người nhanh nhẹn, hoạt bát nhất trong các cuộc vui," ông Joe giải thích. Nhưng kể từ sau khi làm việc tại Uber, "Joseph thường đi một mình trên các chuyến tàu điện ngầm. Con tôi trở thành một người rất kém tự tin vào bản thân mình. Nó đã hoàn toàn suy sụp. "
Bên cạnh sức ép về công việc, các thành viên trong gia đình của Joseph cũng đổ lỗi cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Uber - vốn là vấn đề nổi cộm và được nhắc tới từ hàng thế kỷ nay tại Mỹ. Theo báo cáo được gửi đi vào tháng 3/2017, nhóm kỹ thuật của Uber chỉ có vỏn vẹn 1% là người Mỹ gốc Phi. Trong đó bao gồm Thomas khi anh là một người da đen.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn