Đây có thể là động thái mở đầu cho việc Google sẽ ngừng cung cấp nền tảng Android cho smartphone của Huawei trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là liệu Huawei có thể “sống sót” trên thị trường smartphone mà không cần Android hay không?
Mối quan hệ “nhập nhằng” giữa Google và Huawei
Giữa tháng 5 vừa qua, chính phủ Mỹ đã đưa Huawei và 70 chi nhánh của công ty này vào “danh sách đen”, cấm mọi giao dịch mua bán với các công ty tại Mỹ vì cáo buộc liên quan đến các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia Mỹ, một cáo buộc mà Huawei đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
Sau khi lệnh cấm được ban bố, hàng loạt hãng công nghệ Mỹ đã phải xem xét lại quan hệ hợp tác với Huawei vì lo ngại bị chính phủ Mỹ trừng phạt, trong đó có Google. Sau khi lệnh cấm được đưa ra, Google đã cho biết ngừng hợp tác với Huawei trong việc cung cấp nền tảng Android cho hãng công nghệ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc hãng sẽ không hỗ trợ Huawei để phát triển nền tảng Android, phát hành các bản vá lỗi hay ngừng cung cấp các dịch vụ của hãng (Youtube, Gmail, Maps...) trên smartphone của Huawei.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sau đó đã nới lỏng và gia hạn thời gian lệnh cấm có hiệu lực với Huawei, Google đã quay lại hợp tác với Huawei và những tưởng mối quan hệ giữa hai bên lại bình thường như trước, thì mới đây Google đã bất ngờ thông báo ngừng hỗ trợ Mate 30, chiếc smartphone cao cấp đầu tiên được Huawei ra mắt sau khi bị chính phủ Mỹ cấm vận, dự kiến được trình làng vào tháng 9 tới đây.
Trên thực tế, Huawei vẫn có thể tiếp tục sử dụng một phiên bản mã nguồn mở của Android (thay vì phiên bản Android do Google phát triển và cung cấp) cho smartphone của mình, vì đây là phiên bản được cung cấp miễn phí nên không vi phạm lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Huawei lại không được phép tích hợp các ứng dụng và dịch vụ của Google và phiên bản Android này vì không được phía Google cấp giấy phép.
Mối quan hệ giữa Google và Huawei đã trở nên “nhập nhằng” sau khi có lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Dù bị đưa vào “danh sách đen”, Huawei đã từng nhiều lần tự tin khẳng định vẫn sẽ tiếp tục sử dụng Android làm nền tảng chính trên các thiết bị di động của mình, trong khi đó phía Google cũng đã nhiều lần khẳng định vẫn muốn tiếp tục hợp tác và cung cấp Android cho Huawei.
Do vậy, quyết định ngừng hỗ trợ chiếc smartphone Mate 30 sắp ra mắt của Huawei được xem là động thái để mở đầu cho việc Google sẽ dần ngừng hỗ trợ hoàn toàn nền tảng Android đối với smartphone của Huawei trong thời gian tới.
Huawei có thể “sống sót” trên thị trường smartphone mà không cần Android?
Hiện đang là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới (sau Samsung) về mặt doanh số, tuy nhiên smartphone của Huawei đều đang sử dụng nền tảng Android của Google. Huawei từng đặt ra tham vọng vươn lên vị trí số một trên thị trường smartphone, nhưng chắc chắn quyết định của Google sẽ “giáng đòn đau” vào tham vọng này của Huawei.
Vấn đề được giới công nghệ thực sự quan tâm ở thời điểm hiện tại là Huawei sẽ “sống sót” như thế nào trên thị trường smartphone mà không cần đến Android?
Do Android là một nền tảng mở và được cung cấp miễn phí nên về lý thuyết, Huawei vẫn có thể tự phát triển nền tảng di động này, nhưng các dịch vụ do Google cung cấp như Youtube, Maps, Gmail hay kho ứng dụng Google Play... sẽ không được tiếp tục hỗ trợ và nâng cấp trên các mẫu smartphone của Huawei. Huawei cũng vừa mới giới thiệu Harmony OS, hệ điều hành mới của hãng, được sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau bao gồm smart TV, xe hơi tự lái, các thiết bị IoT và cả smartphone.
Harmony OS có thể xem là “phương án B” để Huawei có thể cạnh tranh trên thị trường smartphone mà không cần đến Android của Google. Nhưng để phát triển một nền tảng di động hoàn toàn mới và lôi kéo được người dùng liệu có khả thi?
Hiện tại Android vẫn đang là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay, với 86% smartphone trên thế giới đang sử dụng nền tảng này, 14% còn lại là iPhone sử dụng iOS của Apple và không có chỗ đứng cho bất kỳ nền tảng di động nào khác trên thị trường smartphone.
Trước khi Android và iOS thống trị hoàn toàn thị trường smartphone, đã từng có những cái tên khác như Windows Phone, BlackBerry OS hay WebOS... tuy nhiên tất cả đều đã “xếp giáp quy hàng” và bị khai tử do không thể cạnh tranh với Android lẫn iOS.
Thậm chí Samsung, hãng smartphone lớn nhất thế giới về mặt doanh số, cũng đã tham vọng phát triển nền tảng di động của riêng mình, Tizen OS, một động thái để giảm sự phụ thuộc vào Android của Google. Tuy nhiên, Samsung dường như đã nhận ra rằng cơ hội cho Tizen OS để cạnh tranh với Android và iOS trên thị trường smartphone là hầu như không có nên đã quyết định chuyển đổi nền tảng này để sử dụng cho các thiết bị khác như đồng hồ thông minh hay smart TV...
Bản thân Google lẫn Apple cũng phải mất rất nhiều năm để có thể phát triển và hoàn thiện nền tảng di động Android lẫn iOS như ngày nay. Nếu Huawei cũng phải mất chừng đó thời gian để hoàn thiện Harmony OS, rất có thể hãng sẽ bị “đánh văng” khỏi thị trường smartphone khi mà tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay đã khác cách đây 10 năm rất nhiều.
Một vấn đề khác đặt ra đó là cho dù phát triển thành công nền tảng di động của riêng mình, Huawei cũng gặp phải một trở ngại đó là số lượng ứng dụng hỗ trợ cho nền tảng này. Một trong những nguyên do giúp Android và iOS trở nên phổ biến đó là kho ứng dụng cực kỳ phong phí với đội ngũ các nhà phát triển đông đảo. Vậy Huawei phải làm cách nào để lôi kéo được đội ngũ phát triển ứng dụng cho nền tảng Harmony OS của mình, hoặc chí ít cũng phải để cho nền tảng này có thể hỗ trợ các ứng dụng của Android.
Còn trong trường hợp Huawei xây dựng một nền tảng Android riêng từ mã nguồn mở của hệ điều hành này, thì việc không được tích hợp các ứng dụng và dịch vụ của Google như Gmail, bản đồ Google Maps hay Youtube... cũng sẽ là một thiếu sót rất lớn và mất đi tính cạnh tranh của nền tảng di động.
Cơ hội thành công lớn nhất của Huawei khi thiếu đi các ứng dụng và dịch vụ của Google đó là thị trường nội địa, khi tại Trung Quốc các dịch vụ của Google đều bị cấm truy cập. Tuy nhiên, ngay cả ở thị trường trong nước, Huawei cũng phải cạnh tranh với hàng loạt “đối thủ nặng ký” khác như Xiaomi, Oppo hay OnePlus... thì cũng rất khó để Huawei có thể đạt được doanh thu như mong đợi.
Trong trường hợp Huawei đạt được doanh số tốt ở thị trường trong nước thì chừng đó cũng chưa đủ với một hãng smartphone khi không thể tìm được chỗ đứng ở thị trường quốc tế, đặc biệt tại các thị trường lớn và khó tính như Mỹ và châu Âu. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh số smartphone của Huawei trên toàn cầu.
“Xây dựng nền tảng di động không phải là vấn đề với Huawei, mà vấn đề nằm ở chỗ thiếu đi các ứng dụng của Google”, Ben Wood, Giám đốc nghiên cứu tại hãng nghiên cứu thị trường CCS Insight, bình luận. “Không còn nghi ngờ gì, Huawei cần phải có đầy đủ quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ của Google và điều này rất cần thiết với thị trường phương Tây”.
“Không một ai muốn mua một thiết bị mà không có các dịch vụ của Google”, Richard Widnson, nhà phân tích thị trường độc lập, cho biết.
Rõ ràng việc không còn được Google hỗ trợ nền tảng Android là một tổn thất cực lớn của Huawei và liệu Huawei có thể “sống sót” trên thị trường smartphone khi không còn Android? Câu trả lời ở thời điểm hiện tại là “gần như không thể”.
Tuy nhiên, nếu có đủ thời gian để phát triển và hoàn thiện nền tảng di động của riêng mình trong thời gian tới, rất có thể thị trường smartphone sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một nền tảng di động thứ 3, giống như những gì mà Huawei đã tự tin tuyên bố có thể vượt mặt cả Apple lẫn Google trên thị trường smartphone nếu bị “ép vào đường cùng”.
T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn