Theo ông Lịch, tính tới ngày 27/6/2017, tại Việt Nam đã có tới 1.522 website bị tấn công phishing lừa đảo, 989 websie bị tấn công deface thay đổi giao diện và 3.792 website bị cài mã độc malware.
Đánh giá của VNCERT cho rằng hacker đang tấn công ngày càng tinh vi hơn, tấn công trên diện rộng, có chủ đích. Mã độc được điều khiển và thực hiện theo kế hoạch.
Điều đáng nói, theo ông Lịch, tin tặc tấn công hiện nay đang hướng tới mục tiêu hoàn toàn khác so với trước đây.
Tin tặc không chỉ đơn thuần lấy cắp thông tin cá nhân mà còn phá hủy thông tin, lợi dụng thông tin để phục vụ mục đích kinh tế, chính trị. Hacker cũng không đơn thuần theo cá nhân mà còn có tổ chức, thậm chí có tài trợ. “Hiện nay, vấn đề chiến tranh mạng đã hiện hữu”, ông Lịch nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hà Thế Phương, phó tổng giám đốc CMC INFOSEC cho rằng, an ninh an toàn thông tin đối với mọi cá nhân hay tổ chức đều bắt nguồn từ nhận thức.
Theo ông Phương, tình hình 6 tháng đầu năm 2017 tại Việt Nam không khả quan. Mặc dù có nhiều sự vụ lớn về an toàn thông tin xảy ra, các phương tiện truyền thông đều liên tục cảnh báo, các cơ quan chức năng liên tục có công văn nhắc nhở, nhưng theo khảo sát của CMC, các đơn vị sở hữu hệ thống công nghệ thông tin đa số đều thực hiện theo hình thức đối phó chứ không nhận thức đúng về mức độ nghiêm trọng của hiện trạng an ninh an toàn thông tin tại đơn vị mình.
“Lỗ hổng biết mà không vá đã nhiều nhưng sai sót trong nhận thức và hiểu biết về cách thức sử dụng Internet, lưu trữ dữ liệu hệ thống an toàn còn chiếm phần nhiều hơn”, ông Phương cho biết.
Ông Phương khẳng định, nếu lãnh đạo cũng như chủ quản của các hệ thống công nghệ thông tin tiếp tục không coi trọng tăng cường nhận thức cũng như đầu tư cho an toàn thông tin thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nằm trong top đầu thế giới về mức độ lây nhiễm mã độc cũng như bị tấn công nằm vùng (APT).
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn