Mô hình mạng xã hội cùng với những bài đăng và nút Like (thích) từ lâu đã trở thành những khái niệm hết sức quen thuộc với người dùng. Tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng coi việc ấn nút Like là điều bắt buộc, ngay cả cho dù đó là một biên tập viên của một tờ báo lớn.
Mới đây, Peter Allen Clark, cây bút có kinh nghiệm nhiều năm của tờ Mashable khiến cộng đồng mạng chú ý khi chia sẻ những sở thích "không giống ai" của mình, như thích dùng thang bộ hơn thang máy, thà đi cả dặm còn hơn "bắt" Uber, thà tự làm nước sốt còn hơn mua ở siêu thị, và thú vị hơn cả, Peter chưa từng nhấn vào nút Like trên Facebook.
Tất nhiên, là một biên tập viên công nghệ, Peter Allen Clark đã có một thời gian rất dài sử dụng Facebook cũng như các dịch vụ số khác. Cụ thể, anh cho biết đã tiếp cận Facebook từ những năm 2007, tức 3 năm sau khi Facebook chính thức xuất hiện, và cho đến nay đã được gần 11 năm sử dụng.
Vậy lý do nào khiến Peter Allen Clark, một người sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ xã hội, nhưng lại "nhất quyết" không nhấn vào một nút Like nào, dù là của bạn, của người thân, hay gia đình?
Nút Like có trọng lượng
Theo Peter, kể từ khi ra đời, nút Like ngay lập tức đã biến Facebook trở thành một cuộc thi. Trước đây, người dùng mạng xã hội có sở thích so sánh xem ai có nhiều "bạn" hơn. Nhưng giờ đây mỗi khi cập nhật một dòng trạng thái, người ta kỳ vọng sẽ có những lần nhấp chuột ủng hộ. Cũng bởi vậy mà nếu không có ai tương tác, chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ.
"Tôi cảm thấy đây là một sự việc kém lành mạnh, nhưng mặt khác tôi có lý do để không tin tưởng vào nút Like: Đó là nó quá dễ dàng", Peter cho biết. "Đó là một cái gì đó đơn giản nhưng lại mang tính tương tác cao, khiến bản chất của nút Like có một chút gì đó kém trung thực, theo quan điểm của tôi."
"Bạn thực sự 'thích' một thứ gì đó tới mức nào, nếu như tất cả những gì bạn thể hiện được ra ngoài chỉ là đưa con trỏ chuột xuống, và nhấn vào cái nút màu xanh ấy. Liệu chuyển động của những ngón tay có tương xứng với những gì bạn thực sự cảm thấy? Và nó sẽ truyền tới người đăng bài viết được bao nhiêu phần?", Peter Allen Clark đặt câu hỏi nghi vấn.
Câu trả lời cho những câu hỏi này, theo Peter, đó là không dễ để bày tỏ một quan điểm hay một luồng suy nghĩ mà chỉ phụ thuộc vào một nút bấm. Điều này khiến anh cảm thấy mình đang nói dối.
"Thực hiện một hành động không phản ánh đúng suy nghĩ của mình, tôi cảm thấy như mình đang nói dối"
Peter thừa nhận trong suốt hơn 1 thập kỷ sử dụng mạng xã hội Facebook, anh từng chứng kiến rất nhiều tin tức tốt được chia sẻ, có khi từ bạn bè, và nó thực sự thu hút rất nhiều lượt quan tâm, khiến chính bản thân anh cũng muốn đóng góp để gia tăng thêm lượt thích. Nhưng Peter đã kháng cự lại ham muốn này. Thay vào đó, anh để lại bình luận.
"Từ năm 2009, tôi đã thực hiện sứ mệnh tích cực trong việc công khai nói rằng tôi thích hoặc yêu cái gì đó trong các nhận xét của một bài viết", Peter nói. "Tôi không chắc có ai nhận ra được thói quen của tôi, nhưng nó làm tôi thấy tốt hơn."
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của anh nhận thấy ở những người xung quanh, thậm chí là đồng nghiệp, thì việc để lại bình luận mà không nhấn nút Like dường như không có được sự đón nhận xứng đáng. Đối với một số người, điều này thậm chí được coi như hành động khinh bỉ.
Trong bài viết của mình, Peter hoàn toàn hiểu được xu thế phát triển của các phương tiện truyền thông, dẫn đến sự chia rẽ trong cách mọi người đánh giá tương tác và các giao tiếp bởi chúng được hiểu theo một chuẩn mực khác nhau. Nhưng Peter khẳng định anh vẫn sẽ không nhấn bất kỳ nút Like nào, vì không muốn nói dối về những điều mà anh thực sự thích.
Peter cũng chia sẻ một vài ngoại lệ nhỏ, khi anh chủ động nhấn thích đối với các trang Facebook kinh doanh, các fanpage của bạn hoặc người thân, nơi mà họ sẽ được hưởng lợi cho các hoạt động của mình nhờ vào số lượt thích hay lượt tương tác.
Vậy còn quan điểm của bạn đọc thế nào? Liệu bạn có sẵn sàng "cho đi" nút Like một cách dễ dàng? Hay cho rằng việc để lại bình luận mới là sự "chia sẻ cảm xúc thật"? Xin hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn