Hết bán sữa, bán vé số, dân buôn công nghệ đi bán nước hoa

Thứ hai - 26/06/2017 23:27
Chứng kiến thị trường cạnh tranh quyết liệt, sức mua đồ công nghệ ngày càng thấp đi, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã tăng thêm các mô hình mua sắm khác để mong "trụ vững". Đây cũng là năm được dự báo là năm để tồn tại.

Lần lượt rủ nhau đi bán đồ "không" công nghệ

Ngay từ những tháng cuối năm 2016, nhiều nhà bán lẻ chuyên thiết bị công nghệ lớn bất ngờ công bố bán thêm sữa, bán vé số... Cụ thể, FPT Retail mở cửa hàng bán sữa khi hợp tác với Vinamilk . Đơn vị này cho biết, trước mắt thì họ thử nghiệm 2 cửa hàng tại TPHCM và sau đó sẽ mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Theo một nguồn tin riêng, FPT Shop cũng sẽ công bố một mặt hàng khác mà đơn vị này sẽ kinh doanh trong thời gian tới. Tất nhiên đây cũng không phải là một sản phẩm công nghệ nhưng đơn vị này từ chối tiết lộ kế hoạch của mình.

Thế giới Di động cũng thử nghiệm mô hình bán vé số Vietlott trên một số chuỗi bán lẻ của họ. Mới đây, đơn vị này đã kí kết hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai cho cuộc "đại mở rộng" thương hiệu Bách Hóa Xanh trên quy mô toàn quốc. Đây là hệ thống kinh doanh nhu yếu phẩm và các thực phẩm tươi sống.

Hết bán sữa, bán vé số, dân buôn công nghệ đi bán nước hoa
Nhà bán lẻ đồ công nghệ đi kinh doanh thêm nước hoa

Gần đây nhất, chuỗi bán lẻ HNam Mobile với quy mô 18 cửa hàng trên địa bàn TPHCM cũng bất ngờ công bố bán nước hoa trên toàn hệ thống.

Ông Hoàng Phú Nam, điều hành chuỗi bán lẻ này cho biết: "Tận dụng hệ thống bán hàng vốn có cùng đối tượng khách hàng rộng nên việc mở bán nước hoa chỉ là một hình thức tận dụng kinh doanh đa ngành".

Tuy nhiên, thực tế theo một nhà bán lẻ giấu tên cho biết, sức mua đồ công nghệ giảm mạnh, để mong dùy trì cần có chiến lược mở rộng thêm mô hình, dịch vụ trước áp lực của cạnh tranh và sức ép gia tăng lợi nhuận. Do đó, việc các mô hình thử nghiệm những mặt hàng như kể trên đều không quá ngạc nhiên. "Không thử thì chưa biết có thành công hay không nhưng không thử thì liệu có đủ lợi nhuận để duy trì trong thời buổi thấp điểm của thị trường công nghệ.".

Ngành kinh doanh di động giảm mạnh?

Hết bán sữa, bán vé số, dân buôn công nghệ đi bán nước hoa - Ảnh minh hoạ 2
Sức mua đồ công nghệ vẫn không giảm nhiều?

Nhiều nhà bán lẻ cho rằng, quý I/2017, thị trường di động đã bão hòa, sức mua kém khiến cho áp lực lợi nhuận gia tăng. Tuy nhiên, theo bản báo cáo từ IDC, quý I/2017, người Việt đã chi đến 19,8 nghìn tỉ đồng mua 3,64 triệu điện thoại thông minh.

Theo con số thống kê của Tổng cục Thống kê công bố, người Việt chi đến 20 tỷ đồng để mua 3,6 triệu smartphone trong quý I/2017. Con số này tăng nhẹ so với quý I cùng kỳ năm ngoái, khi năm 2016, người Việt đã chi 17,8 nghìn tỷ đồng để mua smartphone.

Đây thực sự là một nghịch lý bởi lượng tiêu thụ vẫn không giảm mà còn tăng thì đó có phải là thị trường đang giảm mạnh khiến cho áp lực cạnh tranh tăng cao?

Ông Nguyễn Đạt, điều hành Di Động Việt cho rằng: "Thực tế cho thấy, từ cuối năm nay đến nay, số lượng cửa hàng kinh doanh mặt hàng công nghệ mọc lên rất nhiều, cứ 1 tháng là thấy vài chuỗi mở thêm điểm. Như vậy, đơn cử 10 chiếc smartphone trước đó bán ra được chia cho 3 cửa hàng trên một tuyến đường thì giờ phải chia ra đến 5-7 cửa hàng. Khiến cho doanh số giảm mạnh và nhiều cửa hàng phải chuyển đổi để thu hút thêm đối tượng khác nếu muốn tồn tại".

Bên cạnh đó, ông Đạt còn cho rằng, một báo cáo từ GFK cũng đã nói rằng, 2017 là năm để tồn tại chứ không phải là năm của việc kinh doanh. Do đó, đây sẽ làm năm làm thương hiệu, năm của sự sắp xếp lại thị trường, để tìm phương án tồn tại và phát triển cho năm tới, khi thị trường bắt đầu hồi phục.

Tác giả: Gia Hưng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây