Bà Cho, 58 tuổi, sống cùng chồng và con trai ở Seoul, đánh giá cao ý tưởng sử dụng thùng rác tái chế và trả tiền tái chế rác. Ảnh: ST |
"Thật kinh khủng", bà mẹ hai con 29 tuổi mang dòng máu Thụy Điển và Hàn Quốc nói. "Anh xã và tôi cực ghét phải mang cơm thừa đi đổ vì mùi hôi không chịu được. Mỗi lần mang rác xuống thang máy mà có người đi cùng, tôi thấy thật xấu hổ".
Theo Straitstimes, vợ chồng Sevensoon đầu tư một máy xử lý thức ăn thừa, biến thực phẩm thành bột khô để làm phân bón, vừa bớt phiền phức phải đi đổ thức ăn vừa tiết kiệm 12 USD một tháng tiền tái chế rác.
Thu gom và xử lý thức ăn thừa là vấn đề quan trọng ở Hàn Quốc, theo chính sách tái chế chất thải mà chính phủ đề xuất từ những năm 1990, khuyến khích các hộ gia đình vứt ít rác hơn và giảm áp lực lên các bãi chôn cất rác. Thức ăn thừa trước đây được xử lý trong nhà máy nước và xả thẳng xuống biển, nay được tái chế hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón.
Hàn Quốc đã giảm lượng chất thải thực phẩm thừa từ 5,1 triệu tấn năm 2008 xuống 4,82 triệu tấn năm 2014. Cuối năm 2013, chính phủ đã chi hơn 185 tỷ won (155 triệu USD) vào việc lắp đặt máy tái chế thực phẩm thừa nơi công cộng.
Giấy, can nhựa, chai lọ, đồ nhựa và sắt cũng được tái chế, góp phần vào tỷ lệ tái chế rác thải ở nước này lên hơn 80%. Phần còn lại được chôn hoặc được đốt.
Hệ thống xử lý chất thải theo cách cân đong khối lượng được thực hiện từ năm 2013. Một số chung cư yêu cầu cư dân trả tiền tái chế túi rác, trong khi những nơi khác đặt thùng rác công cộng sử dụng RFID, hệ thống nhận dạng tần số vô tuyến, để cân lượng thực phẩm một hộ gia đình bỏ đi và họ phải trả tiền theo trọng lượng rác.
Hệ thống này đã thành công tại nhiều thành phố. Seoul, thủ đô có dân số 10 triệu người, đã cắt giảm chất thải thực phẩm từ 3.300 tấn một ngày năm 2012 xuống 3.181 tấn một ngày năm 2014. Mục tiêu của chính quyền thành phố là đạt 2.318 tấn rác mỗi ngày vào năm 2018.
Để người dân tiết kiệm thức ăn và bớt đổ rác, chính quyền còn tăng giá túi đựng thức ăn thừa hơn 30% từ đầu năm nay. Túi đựng rác loại 10 lít có giá từ 170 đến 800 won (0,14 - 0,67 USD) một chiếc, những quận giàu phải trả nhiều tiền hơn.
Mapo, một quận có quy mô ở mức trung bình tại Seoul với dân số 390.000 người đã lắp đặt 189 máy RFID và vừa bổ sung thêm 450 máy nữa. Mỗi máy trị giá 1.426 USD, chứa được chất thải của 60 hộ gia đình, Yu Gwang Mo, một viên chức quận Mapo cho biết.
Ông Mo nhận định, đây là cách hiệu quả nhất để cắt giảm lượng chất thải thực phẩm. Một số hộ đã giảm một nửa lượng thực phẩm thừa.
"Mọi người thường mua nhiều đồ ăn rồi lại ném đi mà không thèm quan tâm. Bây giờ họ nhận ra càng ném nhiều càng phải trả nhiều tiền, nên bắt đầu kiểm soát lượng thực phẩm mua vào", ông nói.
Vấn đề duy nhất RFID gặp phải là cư dân phàn nàn thùng rác bốc mùi hôi thối trong mùa hè. Đội bảo trì của ông đã nghiên cứu và dùng lá bạch quả để khử mùi.
Cho Sung Ja, 58 tuổi, một bà nội trợ ở Mapo sống trong căn hộ ba phòng ngủ với chồng và con trai, cho biết bắt đầu sử dụng hệ thống RFID hai năm trước.
"Tôi cho rằng ý tưởng này rất hay. Mọi người bắt đầu chú ý mình vứt đi bao nhiêu rác. Bây giờ, họ ít lãng phí thức ưn hơn, thùng rác công cộng cũng ngày một sạch hơn", bà nói.
Một doanh nghiệp đã hưởng lợi từ việc tái chế rác thải là Smart Cara, công ty chuyên xử lý thức ăn thừa từ các hộ gia đình. Họ tái chế thức ăn thành bột làm phân bón hoặc than sinh học.
Choi Ho Sik, giám đốc công ty, cho biết doanh số đã tăng từ 1,2 tỷ won (hơn 1 triệu USD) năm 2013 lên 3,6 tỷ won (3,02 triệu USD) năm ngoái. Công ty dự kiến đạt doanh thu 10 tỷ won năm nay. Họ xuất khẩu sản phẩm đi 41 quốc gia.
"Thức ăn thừa là nỗi đau đầu số một của các bà nội trợ Hàn Quốc", ông Choi kết luận.
Hồng Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn