Hiệu suất công việc bị ảnh hưởng vì nhân viên làm việc tại nhà
Để đề phòng dịch bệnh lây lan, các hãng công nghệ lớn nhỏ đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.
Những tưởng với các hãng công nghệ thì làm việc từ xa qua Internet sẽ không có nhiều trở ngại, nhưng hoá ra không phải. Nhiều báo cáo cho biết, hiệu suất công việc của các hãng công nghệ đã bị ảnh hưởng đáng kể do nhân viên làm việc ở nhà.
Theo một khảo sát của trang tin CNBC, nhân viên của nhiều hãng công nghệ cho biết họ đã bị xao nhãng, không thể tập trung khi làm việc tại nhà, nhất là với ai có con nhỏ ở nhà.
Bên cạnh đó, đối với các công việc đòi hỏi phải họp mặt trực tiếp, như phát triển các sản phẩm phần cứng, xây dựng hệ thống phần mềm…, việc họp trực tuyến qua Internet hoặc làm việc tại nhà sẽ gặp nhiều bất tiện và hạn chế.
Dù vậy, nhiều hãng công nghệ lớn vẫn yêu cầu nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Cụ thể, Facebook khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà đến hết năm 2020, còn Twitter thậm chí còn cho phép những nhân viên có công việc không thực sự cần đến văn phòng có thể làm việc tại nhà bao lâu tùy thích, kể cả khi hết dịch.
Quá trình sản xuất bị ảnh hưởng, nhu cầu sụt giảm mạnh
Đại dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc, nơi vốn được coi là “công xưởng” chính của thế giới, với nhiều hãng công nghệ vẫn đang đặt nhà máy tại đây, nên ngành công nghệ toàn cầu bị ảnh hưởng lớn.
Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã phải áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm đóng cửa các nhà máy sản xuất và cửa hàng kinh doanh. Việc này khiến cho sản lượng của các thiết bị công nghệ đã bị giảm sút nghiêm trọng và có thời điểm nguồn cung không đủ đáp ứng cho thị trường.
Bên cạnh đó, một số nhà máy cung cấp sợi cáp quang có trụ sở tại Vũ Hán, nơi khởi nguồn của virus SARS-CoV-2, chiếm đến 25% sản lượng toàn cầu đã phải đóng cửa, dẫn đến việc thiếu nguồn cung, ảnh hưởng đến quá trình triển khai mạng 5G tại Trung Quốc cũng như một số quốc gia.
Việc đóng các cửa hàng kinh doanh smartphone tại Trung Quốc cũng đã làm ảnh hưởng đến doanh số của các hãng, khi đây là thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Giờ đây, khi tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát tại Trung Quốc, các nhà máy sản xuất, cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghệ được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh lại đang bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia khác trên toàn cầu, dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu mua sắm các thiết bị công nghệ.
Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh cũng khiến cho người dùng không còn sẵn sàng chi ra những khoản tiền lớn để mua smartphone cao cấp và đắt tiền như trước đây.
Nhiều sự kiện công nghệ lớn bị hủy bỏ
Để đề phòng khả năng lây nhiễm Covid-19, các hãng công nghệ đã chủ động hủy bỏ những sự kiện quan trọng.
Hội nghị Di động Thế giới (MWC), một trong những sự kiện công nghệ lớn và đáng trông đợi nhất trong năm, là dịp để các hãng smartphone trình làng những sản phẩm, công nghệ di động mới nhất, đã phải hủy bỏ vì sự lây lan của dịch bệnh.
Facebook F8, hội nghị dành cho các nhà phát triển và là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Facebook, là dịp để Facebook giới thiệu các công nghệ, sản phẩm hay tính năng mới trên các nền tảng của hãng như Facebook, Instagram, WhatsApp hay Oculus VR... dự kiến diễn ra vào ngày 5 và 6/5 vừa qua, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ.
Sau Facebook, Google cũng đã quyết định hủy bỏ hội nghị dành cho các nhà phát triển Google I/O, sự kiện lớn và quan trọng nhất trong năm của Google. Sự kiện năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5, là dịp để Google hé lộ về những tính năng mới trên nền tảng Android 11.
Microsoft cũng phải hủy bỏ hội nghị MVP Summit mà hãng dự kiến tổ chức vào ngày 16/3 vừa qua. Triển lãm game lớn nhất thế giới E3 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 9/6 cũng đã phải hủy bỏ vì dịch bệnh.
Hội nghị các nhà phát triển thế giới (WWDC), sự kiện quan trọng nhất trong năm của Apple, thường được hãng bán vé với giá lên đến 1.599 USD, giờ đây cũng đã phải chuyển sang tổ chức trực tuyến và phát trực tiếp để tất cả mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 22/6 tới đây.
Các công ty khởi nghiệp cầm cự
Công nghệ luôn là lĩnh vực chứng kiến sự xuất hiện của nhiều công ty khởi nghiệp nhất, nhưng dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ, khi mà khó khăn chung của thị trường đã khiến các công ty này không thể tìm được khách hàng hoặc các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn.
Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, nhiều công ty khởi nghiệp tại Mỹ đã chấp nhận phá sản trong mùa dịch vì không đủ kinh phí hoạt động và trả lương cho nhân viên.
Tuyển dụng khó khăn, nhiều hãng công nghệ phải sa thải nhân viên
Để đề phòng sự lây lan của dịch bệnh, các hãng công nghệ phải chuyển sang hình thức phỏng vấn xin việc trực tuyến, thay vì phỏng vấn trực tiếp. Điều này gây ra những khó khăn và bất tiện cho quá trình phỏng vấn.
Ngoại trừ hãng thương mại điện tử Amazon phải tuyển thêm hàng trăm nhân viên làm ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch, hầu như không có hãng công nghệ nào tuyển dụng thêm nhân viên. Thậm chí, nhiều hãng còn sa thải một lượng lớn nhân viên để tiết kiệm chi phí hoạt động; ví dụ như Uber đã phải sa thải hơn 4.000 nhân viên trên toàn cầu vì thua lỗ.
T.Thủy
Theo CNBC/TrendForce/Cnet
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn