FPT Shop cho biết dự án hợp tác với Nguyễn Kim trong phân phối các mặt hàng điện máy chỉ là thử nghiệm, và hiện nay sau khoảng nửa năm chuỗi này chưa có kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh mới này.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2019, FPT Shop bất ngờ mở bán các mặt hàng điện máy tiêu dùng như tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,... trên hệ thống website của mình. Khi ấy, FPT Shop thông tin cho hay họ đảm nhiệm bán hàng trên kênh online, còn việc lưu kho và hàng hoá sẽ do đối tác Nguyễn Kim đảm nhận.
Việc mở bán mặt hàng điện máy từng được cho là sự bổ sung hợp lý cho FPT Shop, vốn chỉ bó gọn trong mảng điện thoại, laptop và các mặt hàng công nghệ. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao hãng ngừng hợp tác để kinh doanh đồ điện máy.
Bên cạnh việc hợp tác với Nguyễn Kim, FPT Shop còn tiếp tục gây chú ý hồi đầu năm khi bắt tay với Fado để mở trang chuyên nhận mua hàng từ Mỹ, Nhật về Việt Nam. Khách truy cập vào trang “hàng Mỹ” của FPT Shop sẽ được xem các mặt hàng bán trên Amazon.com.
Chỉ trong một thời gian ngắn, FPT Shop - khởi đầu từ bán điện thoại, đã liên tục "lấn sân" sang thị trường điện máy và thương mại điện tử. Cho đến thời điểm hiện tại trang bán hàng Mỹ của FPT Shop vẫn hoạt động bình thường.
Việc thử nghiệm cùng lúc 2 ngành hàng mới trong năm 2019 cho thấy FPT Shop thực sự muốn đẩy mạnh mảng bán hàng online, và muốn chiếm các mảng khác ngoài đồ công nghệ như điều mà Thế giới di động đang theo đuổi.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, hết quý II, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến (online) của FPT Retail đạt mức 2,974 tỷ đồng, tăng trưởng tới 59,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu FRT.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn