Năm 2017, toàn ngành TT&TT đạt doanh thu hơn 2,1 triệu tỷ đồng
Hội nghị tổng kết năm 2017 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào sáng nay (22/12) đã chỉ ra nhiều thành quả mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2017, đồng thời vạch ra những khó khăn, thách thức còn tồn đọng, để hướng cuộc Cách mạng 4.0 sẽ là tâm điểm của năm 2018.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm 2017 dù đã gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành đã có sự cố gắng, nỗ lực, sáng tạo, có những chuyển biến, tiến bộ toàn diện và rõ nét, đóng góp rất tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảo bảo sự đồng thuận, cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2017 toàn ngành TT&TT đạt tổng doanh thu 2.136.191 tỷ đồng, ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,34% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%.
Trong đó, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng; lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 18.933 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng; lĩnh vực bưu chính ước đạt 20.148 tỷ đồng. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông ước đạt 352.198 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.723.500 tỷ đồng.
Một vài ví dụ được Phó Thủ tướng dẫn chứng bao gồm những đánh giá, xếp hạng của thế giới về Việt Nam trong năm vừa qua, điển hình như xếp hạng về môi trường kinh doanh do ngân hàng thế giới - nơi Việt Nam đã tăng 14 bậc so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo do Liên hợp quốc tổng kết đã ghi nhận chúng ta tăng 12 bậc từ 59 lên 47. Đây cũng là lĩnh vực hiếm hoi mà Việt Nam nằm trong top 50 của toàn thế giới. Ngoài ra, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2017 cũng tăng 5 bậc, từ 60 lên 55.
Phân tích sâu hơn vào các xếp hạng này, Phó Thủ tướng đề cao sự đóng góp không thể thiếu của việc ứng dụng CNTT vào đời sống và phát triển kinh tế. Qua đó cho biết Việt Nam cũng đang trong những bước đón đầu xu thế 4.0, có được những thành công hết sức cụ thể, như 4G, tăng cường vai trò sự hiện diện của bưu chính, đổi mới về sáng tạo nhân lực CNTT.
Tại hội nghị Phó Thủ tưởng đề xuất 5 điểm mà ngành cần tiếp tục phát huy trong năm 2018, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy, phát triển TT&TT; Nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, tinh chế tri thức và vai trò của TT&TT trong toàn xã hội; Hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Chủ động tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế; và đổi mới tổ chức nâng cao trình độ quản lý năng suất lao động hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TT&TT.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT tiếp tục là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai và áp dụng các chính sách mới, điển hình như trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Điểm nóng" mạng xã hội
Cùng quan điểm tổng kết lại một năm 2017 đầy sóng gió, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nhận định ngành CNTT đã có những bước tiến phát triển, khẳng định vị trí của mình, cùng đất nước tăng trưởng hội nhập với thế giới.
Bộ Trưởng cho biết tính đến thời điểm hiện nay, Bộ đã hoàn thành 21 đề án được giao từ đầu năm 2017, và gần như 100% tổng số nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ, được tổ công tác của chính phủ ghi nhận và đánh giá cao, phần nào giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi tiên phong.
Bộ Trưởng không quên đề cập tới một trong những điểm nhấn của ngành trong năm 2017, đó là Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, mà nổi bật là Google và mạng xã hội Facebook.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Bộ Trưởng cho biết: “Cho đến thời điểm hiện nay, Google, Facebook bước đầu đã có những hợp tác tích cực với Việt Nam. Google đã tích cực ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 4.500 video xấu độc trên trang YouTube trong khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ TT&TT, chiếm tỷ lệ khoảng 90%, và Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới.”
Ngoài Google, Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Năm 2017 cũng ghi nhận các bước tiến rõ rệt trong việc giải quyết các vấn nạn như sim rác, tin nhắn rác,.. đã diễn ra từ rất nhiều năm qua. “Tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 24 triệu SIM kích hoạt sẵn bị xử lý, hơn 300 triệu tin nhắn rác được các nhà mạng tiến hành ngăn chặn”, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nói. “Điều này đã thể hiện một nỗ lực rất lớn không chỉ của các đơn vị quản lý nhà nước, mà còn thể hiện sự quyết tâm cùng phối hợp của các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam.”
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, cũng không thể không kể đến những thách thức mà ngành TT&TT đang phải đối mặt, điển hình như tình trạng cơ quan báo chí, văn phòng đại diện lạm quyền, các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, phát tán thông tin xấu độc, tuyên truyền, cổ suý, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Bộ Trưởng cũng khẳng định Việt Nam nằm trong một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc vào hạng cao trên thế giới, khiến một số trang thông tin bị xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát. Ngoài ra, việc lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng Internet cũng đang ở mức báo động.
Hướng đến một năm 2018, đóng vai trò là năm bản lề của kế hoạch 2018-2020, Bộ Trưởng hy vọng, yêu cầu tất cả các đơn vị rà soát, sửa đổi, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, đồng thời tăng cường thúc đẩy ứng dụng phát triển TT&TT, đáp ứng hội nhập quốc tế thông qua triển khai hiệu quả các đề án được chính phủ và nhà nước đề ra.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn