Theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, trong năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD. Trong đó, quảng cáo trên Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD. Có thể thấy, chỉ riêng Facebook và Google đã chiếm đến hơn 66% thị phần quảng cáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, 2 gã khổng lồ trong lĩnh vực Internet đến từ Mỹ vẫn "thờ ơ" với trách nhiệm đóng thuế tại Việt Nam. Đây chính là một trong 3 sai phạm của Facebook tại Việt Nam, bên cạnh Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp.
Doanh thu quảng cáo tại Việt Nam rất lớn nhưng Facebook vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam.
Chia sẻ với , anh S.Bình, một người kinh doanh đồ công nghệ tại Hà Nội, cho biết, anh thường xuyên mua quảng cáo trên Facebook. Mọi thao tác diễn ra rất đơn giản, nhanh gọn. Từ post đăng bài của mình, Facebook gợi ý quảng cáo bài viết. Ngay tại đây, người dùng chỉ cần chọn vùng, đối tượng, mục tiêu và chọn thanh toán qua thẻ tín dụng. Tiền bị trừ trực tiếp từ thẻ và quảng cáo lập tức có hiệu lực.
Theo anh S.Bình, Facebook cho phép bất kỳ ai cũng có thể quảng cáo một cách dễ dàng, bất kể món hàng gì mà không cần phải làm việc với bên thứ 3, hay đối tác quảng cáo.
Anh Bình cũng cho hay, việc quảng cáo trên Google cũng dễ dàng tương tự như Facebook. Google có đối tác là agency tại Việt Nam nhưng với những người am hiểu về các dịch vụ thanh toán trực tuyến thì có thể tự động thực hiện mà không cần đến agency giúp đỡ.
Đối với những người kinh doanh và có nhu cầu quảng cáo trên Facebook như anh Bình thì cảm thấy dễ dàng và tiện dụng với cách làm của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là cách trốn thuế một cách trắng trợn của Facebook khi mạng xã hội này tự động thu tiền về túi của mình mà không có sự ràng buộc nào với luật pháp Việt Nam, không đóng một đồng thuế nào vì không mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và cũng không có đại diện quảng cáo tại Việt Nam.
Theo Luật quảng cáo năm 2012, doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo phải là đối tượng xây dựng các sản phẩm quảng cáo hay phát hành quảng cáo. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, muốn tiến hành hoạt động thương mại quảng cáo tại Việt nam phải tuân thủ Luật quảng cáo 2012.
Theo đó, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam (khoản 1 điều 41 Luật quảng cáo 2012), tuy nhiên văn phòng đại diện nước ngoài chỉ được phép xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo (khoản 3 điều 41 Luật quảng cáo 2012). Khi đó để hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt nam theo hình thức liên doanh và theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (khoản 1 điều 40 Luật quảng cáo 2012).
Dễ nhận thấy việc Facebook đang hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt nam là bất hợp pháp khi không có một đối tác quảng cáo ở Việt Nam mà trực tiếp kinh doanh và tự thu tiền về tài khoản của mình.
Tình trạng này dẫn tới việc không kiểm soát được nội dung quảng cáo, đặc biệt là tình trạng quảng cáo chính trị mà Cục Phát thanh Truyền hình chỉ ra gần đây. Đồng thời, doanh thu quảng cáo cũng bị chảy máu ra nước ngoài và nhà nước thất thu một nguồn thuế khổng lồ, trong khi các doanh nghiệp nội dung số trong nước thì thiệt hại thị phần.
Nói về vấn đề này, ông Thanh Tính - đại diện một doanh nghiệp nội dung số trong nước cho rằng: "Việt Nam cần siết lại các quy định để thực thi nghiêm túc Luật Quảng cáo, đặc biệt là yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới, như Facebook, phải kinh doanh quảng cáo thông qua agency trong nước là điểm mấu chốt để các doanh nghiệp trong nước tăng doanh thu về họat động quảng cáo".
Ông Tính cho rằng, nếu doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ, phớt lờ quy định của pháp luật Việt Nam, tiếp tục hoạt động quảng cáo bất hợp pháp, cần có cả giải pháp về kinh tế và kỹ thuật để buộc họ phải tuân thủ.
Ông cũng cho hay, Việt Nam nên bổ sung thêm quy định cấm thanh toán dịch vụ quảng cáo thông qua hình thức thẻ thanh toán quốc tế. Giới hạn lại chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thông qua agency tại Việt Nam hoặc thanh toán thông qua hệ thống thanh toán nội địa để có cơ sở tính thuế và thu thuế.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu yêu cầu trách nhiệm của Bộ TT&TT với các mạng xã hội nước ngoài. "Các đơn vị nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực báo chí, mạng xã hội cần phải tuân thủ luật pháp Việt Nam vì chúng ta là nước có chủ quyền, có hiến pháp, pháp luật rõ ràng. Chính vì vậy, Bộ TT&TT phải đồng bộ quy định để xử lý các vi phạm pháp luật Việt Nam", Thủ tướng nhắc nhở.
"Yêu cầu trong thời gian tới, Bộ TT&TT phải lành mạnh hoá trên không gian mạng. Người dùng phải bị pháp luật xử lý với các thông tin sai, vu khống, lợi dụng không gian mạng để phá chế độ", Thủ tướng Phúc giao nhiệm vụ cho ngành CNTT.
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn