Theo SlashGear, kể từ thời điểm ban đầu của nền văn minh, loài người đã luôn cố gắng để vươn tới các vì sao ngoài vũ trụ. Sau đó, khi đã vươn mình ra được không gian, các nhà khoa học lại bắt đầu quan sát ngược trở lại về quê hương Trái Đất, với mong muốn rằng các di tích, kỳ quan hay địa điểm kỳ vĩ trên hành tinh xanh vẫn có thể tương tác với họ theo một cách nào đó.
Một trong những huyền thoại mà họ có thể nhìn thấy từ không gian chính là Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Nhưng vẫn còn nhiều vật thể hoặc địa điểm khác có thể nhìn thấy được từ không gian, bài viết sẽ liệt kê một số cái tên, và bạn có thể bất ngờ với một trong số chúng.
Vùng đất nhà kính ở Almería (Tây Ban Nha)
Được mệnh danh là “biển nhà kính” Almería (Greenhouses of Almería), miền nam Tây Ban Nha. Nơi này rộng lớn đến mức có thể nhìn thấy được từ không gian. Khu nhà kính này có diện tích hơn 25.000 ha và cung cấp hàng triệu tấn trái cây và rau quả trên khắp thế giới.
Biển nhà kính Almería phản chiếu rất mạnh mẽ ánh sáng mặt trời vào ban ngày, điều này giúp nó có thể được nhìn thấy rõ ràng từ không gian. Không giống như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, có xu hướng chìm hẳn vào khu vực đồi núi xung quanh, các nhà kính tỏ ra nổi bật hơn rất nhiều khi được bao quanh bởi biển và núi.
Mỏ đồng Kennecott (tiểu bang Utah, Mỹ)
Mỏ Bingham Canyon, còn được gọi là mỏ đồng Kennecott, là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới. Khu vực này nằm ở phía tây nam thành phố Salt Lake, bang Utah, rộng 7.600 ha, đường kính khoảng 4km và sâu khoảng 450m.
Mỏ Kennecott lớn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, vì có diện tích lớn và màu sắc đặc trưng của đồng, khiến nó dễ dàng được nhận ra từ trên cao. Mỏ đồng Kennecott là một trong những công trình nhân tạo lớn nhất trên thế giới.
Mỏ đã hoạt động được hơn 100 năm và là một trong những mỏ có năng suất cao nhất trên toàn thế giới. Nó hoạt động hàng giờ, hàng ngày, xuyên suốt cả năm và đã tạo ra hơn 19 triệu tấn đồng tinh chế trong 116 năm qua.
Quần đảo Palm (Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất)
Dubai đã quá nổi tiếng với những công trình kiến trúc xa hoa. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là quần đảo Palm, với ba hòn đảo nhân tạo có tên là Palm Jumeirah, Deira Island và Palm Jebel Ali, được xây dựng vào đầu những năm 2000.
Để xây dựng quần đảo Palm, các công nhân đã xúc cát từ đáy Vịnh Ba Tư và bồi đắp để tạo ra những vùng đất nổi lên giữa mặt nước. Cái tên quần đảo Palm dùng để chỉ hình dạng của hòn đảo, trông giống những cây cọ khổng lồ. Đây là nơi quy tụ các khách sạn sang trọng, trung tâm mua sắm, … Việc xây dựng nên công trình này đã tác động sâu rộng đến môi trường của Dubai, khiến bờ biển bị xói mòn.
Quần đảo Palm nằm nổi bật giữa đại dương và lớn đến mức có thể nhìn thấy được từ không gian, bên cạnh đó, điều này cũng đến từ hình dạng độc đáo của nó.
Kim tự tháp Giza (Ai Cập)
Trên thực tế, có một số bất đồng quan điểm về việc có thể nhìn thấy kim tự tháp Giza từ ngoài vũ trụ hay không. Câu trả lời là có, một số hình ảnh đã được chia sẻ từ trạm vũ trụ ISS đã chứng minh điều này. Đây là một trong 7 kỳ quan thế giới có thể được nhìn thấy từ bên ngoài Trái Đất.
Toàn bộ ba kim tự tháp trong quần thể Giza đều có thể được nhìn thấy từ không gian và được NASA chụp ảnh lần đầu tiên vào năm 2001. Kim tự tháp lâu đời nhất và lớn nhất được xây dựng vào năm 2570 trước công nguyên cho Pharaoh Khufu và cao gần 152,4 mét. Kim tự tháp cao thứ hai được làm cho Pharaoh Khafre và chiếc thứ ba nhỏ nhất được làm cho Pharaoh Menkaure.
Việc nhìn thấy các kim tự tháp rất thú vị vì chúng có thể dễ dàng bị hòa với nền đất màu cát bao quanh chúng. Điều khiến chúng có thể nhìn thấy được từ không gian là chúng nằm ở điểm giao thoa giữa sự phát triển đô thị của thành phố và không gian sa mạc hoang vu. Từ không gian, chúng trông giống như ba hình vuông được che phủ một phần.
Đập Tam Hiệp (Trung Quốc)
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện được xây dựng dọc theo sông Dương Tử ở Trung Quốc. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất và là công trình nhân tạo đồ sộ đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong không gian.
Con đập được xây dựng nhằm ngăn chặn lũ lớn xảy ra xung quanh sông Dương Tử, con sông lớn thứ ba trên thế giới. Dự án này đã khiến hơn nửa triệu người phải di chuyển chỗ ở trong quá trình xây dựng vào đầu những năm 2000.
Sông Dương Tử rất lớn, nên khi đập Tam Hiệp đầy nước nó thậm chí có thể làm chậm quá trình quay của Trái Đất. Điều này là do nguyên lý bảo toàn động lượng góc, khi di chuyển các phần khối lượng của vật thể đang quay đến một độ cao khác, nó sẽ làm vật thể quay chậm lại. Bằng cách giữ rất nhiều nước ở độ cao lớn (trên 10 nghìn tỷ gallon), chuyển động quay của Trái Đất sẽ bị chậm lại đôi chút bởi đập Tam Hiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn