Để có được một hồ sơ xin việc đẹp và được nhà tuyển dụng chú ý đến, nhiều người thường cố gắng khai nhận thật nhiều bằng cấp mà mình đang có, thậm chí không ít trường hợp khai báo thêm cả những tấm bằng mà mình không thực sự sở hữu hoặc nói dối bằng cấp cao hơn so với thực tế.
Tuy nhiên một trường hợp khá hy hữu tại Nhật Bản khi một công chức đã bị mất việc chỉ vì ông này khai báo bằng cấp thấp hơn so với bằng cấp mà mình đang thực sự sở hữu.
Cụ thể, một công chức với danh tính không được tiết lộ làm việc tại Sở Kinh tế và Du lịch thành phố Kobe (Nhật Bản) vừa bị sa thải sau khi bị phát hiện gian dối về bằng cấp của mình. Trong hồ sơ xin việc, người này khai rằng mình chỉ mới tốt nghiệp phổ thông và đây là tấm bằng cao nhất mà mình đang sở hữu, tuy nhiên mới đây, chính quyền thành phố Kobe vừa nhận được một thông tin nặc danh tố cáo người này đã nói dối về bằng cấp của mình. Sau khi tiến hành điều tra và xác minh rằng sự thật ông đã tốt nghiệp và sở hữu tấm bằng đại học, nhưng không hề khai báo về tấm bằng này, ông đã lập tức bị sa thải.
Sở dĩ người đàn ông này đã nói dối về bằng cấp của mình bởi lẽ khi tuyển dụng vào vị trí mà ông đang làm việc, Sở Kinh tế và Du lịch thành phố Kobe chỉ yêu cầu tuyển dụng những người mới tốt nghiệp phổ thông, chứ không tuyển dụng những người đã có bằng đại học. Không còn cách nào khác, người này đã khai báo mình mới chỉ tốt nghiệp phổ thông để có thể tham gia ứng tuyển. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra và phỏng vấn, ông đã được tuyển chọn.
Một điều khiến nhiều người còn bất ngờ hơn về quyết định của chính quyền thành phố Kobe đó là người đàn ông bị sa thải năm nay đã 63 tuổi, nghĩa là chỉ 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, và đã làm việc tại Sở Kinh tế và Du lịch thành phố Kobe suốt 38 năm trước khi bị đuổi việc.
Câu chuyện về công chức đã cống hiến 38 năm bị đuổi việc chỉ vì nói dối bằng cấp thấp hơn so với thực tế đã gây nên những tranh cãi trong cộng đồng mạng Nhật Bản trước khi lan rộng ra cộng đồng mang quốc tế khi được truyền thông đăng tải.
Nhiều người đã ủng hộ công chức bị sa thải khi cho rằng ông không làm gì sai để đến nỗi bị đuổi việc như vậy.
“Ông ấy có bằng đại học, nhưng chấp nhận làm công việc đòi hỏi trình độ phổ thông, đó là cả một sự hy sinh. Ông ấy không đáng để bị đuổi việc”, một cư dân mạng bình luận.
“Tôi không hiểu chính quyền thành phố nghĩ gì? 38 năm cống hiến để rồi bị đuổi việc khi sắp về hưu? Thật là một trò đùa”, một người khác chia sẻ.
“Để có được tấm bằng đại học chắc chắn ông ấy đã phải tốt nghiệp phổ thông. Như vậy ông ấy không hề nói dối về bằng cấp của mình. Thật đáng buồn cho ông”, một cư dân mạng khác cho biết.
Tuy nhiên không ít người lại lên tiếng ủng hộ quyết định của chính quyền thành phố Kobe, khi cho rằng một công chức gian dối vì lý do gì đi chăng nữa thì cũng không đáng để được làm việc tiếp.
“Ông ấy đã nói dối những người tuyển dụng mình, có gì chắc chắn rằng ông ấy không nói dối những người khác? Quy định là quy định và ông ấy xứng đáng bị đuổi vì đã làm trái quy định”, một cư dân mạng bình luận.
“Nếu không muốn bị đuổi việc, hãy làm đúng những yêu cầu của nhà tuyển dụng, đó là điều cơ bản nhất chúng ta cần phải nắm”, một cư dân mạng chia sẻ.
Bên cạnh đó nhiều người cũng cho rằng chính phủ Nhật Bản đã quá cứng nhắc trong các điều khoản quy định của mình, bất chấp việc nhiều người đã có những đóng góp cho chính phủ trong một thời gian dài.
Tác giả: T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn