"Không hề có khái niệm trách nhiệm tồn tại ở Apple kể từ cái chết của ngài Jobs", Darren Eastman một cựu kỹ sư từng làm việc rồi bị sa thải tại Apple cho biết.
Được biết hiện Eastman đang kiện Apple về một số bằng sáng chế và chế độ đãi ngộ liên quan tới công việc của anh tại công ty.
Trả lời trước tòa, Eastman cho biết mình bắt đầu làm việc như một kỹ sư cho Apple năm 2006, chủ yếu là bởi Steve Jobs quan tâm đến ý tưởng của anh đối với một chiếc máy tính Mac giá rẻ dành cho giáo dục. Jobs lúc bấy giờ thậm chí tỏ ý định muốn tuyển trực tiếp Darren từ trường đại học.
Kết quả là Eastman nộp hồ sơ, và trở thành kỹ sư của Apple. Ông khẳng định mình chính là người đã phát minh ra chức năng "Tìm iPhone của tôi". Darren có một công việc mơ ước, nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011.
"Nhiều nhân viên tài năng đã cống hiến một phần cuộc đời của họ cho Apple nhưng giờ thường xuyên bị xử lý kỷ luật và bị đuổi vì báo cáo các vấn đề của công ty giống như dưới thời của Jobs", Eastman cáo buộc trong đơn.
Chia sẻ thêm, Eastman cho biết dưới thời của Steve Jobs, các nhân viên đều có trách nhiệm phải thông báo bất kỳ vấn đề nào chưa được giải quyết, nhằm thể hiện sự quan tâm đến công việc chung.
Theo Eastman, vào năm 2014, một quản lý đã bị sa thải sau khi đề xuất trong cuộc họp rằng "một dự án đề xuất sẽ tiêu tốn hàng triệu đô la và hàng trăm nghìn giờ lao động mà không có được thành công", Eastman cáo buộc.
Con gái của người quản lý nói trên cũng bị sa thải một thời gian sau đó, chỉ bởi cô này đã "báo cáo về tình trạng nấm mốc độc hại, ô nhiễm tại tòa nhà nơi cô làm việc".
"Cho dù các nhà thầu khẳng định toà nhà sẽ không bao giờ hết nấm mốc, nhưng Apple vẫn ký tiếp hợp đồng thuê nhiều năm và khuyến khích nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc sau khi dùng sơn đè lên các vết mốc", Darren nói.
Đối với việc sa thải công nhân, Apple cũng tính toán thời gian rất kỹ làm sao để hạn chế số tiền phải trả cho nhân viên này, Darren tiết lộ.
"Công ty thường tìm cách sa thải bất hợp pháp nhân viên ngay trước khi kết thúc một năm làm việc. Điều đó sẽ giúp họ tránh phải chi trả các khoản tiền thưởng cuối năm, bao gồm cả khoản tiền cổ phiếu mà mất nhiều năm mới được trao". Bản thân Eastman cũng bị Apple sa thải vào cuối năm 2014.
"Phần cổ phiếu đó sau này sẽ được chuyển sang cho các nhân viên khác và trở thành phần tiền thưởng phụ thêm cho các quản lý nhằm khuyến khích họ sa thải các nhân viên có kinh nghiệm - việc này giúp giảm thiểu tiền lương và chi phí thuế phải trả", Darren khẳng định.
Một chuyện xảy ra khá kỳ quặc tại Apple đó là các kỹ sư bắt đầu "biến mất một cách đột ngột" khi cổ phiếu đến hạn hoặc khi chuẩn bị kích hoạt các khoản tiền thưởng, hoặc tăng tiền lương.
"Apple từ một công ty trung thực, lành mạnh, đã biến đổi thành một môi trường độc hại, chuyên tìm cách phá vỡ các bản hợp đồng, phân biệt giới tính và luật lao động, chưa kể họ còn thường hành động không có thiện chí trong các thoả thuận kinh doanh".
Bản thân Eastman cho biết anh đã bị buộc phải đại diện cho chính mình trong vụ kiện bởi Apple đã tìm cách khiến anh cạn kiệt mọi nguồn tài chính trong việc tìm kiếm các đại diện của pháp luật.
"Ngay cả khi bị dính líu tới các vụ kiện tụng, Apple cũng tỏ thái độ thật nực cười, thách thức luật pháp và không tôn trọng cả thẩm phán lẫn quá trình xét xử", Eastman công kích.
Eastman hiện đang đề nghị toà cho anh được lấy lại 735 cổ phiếu công khai của Apple (trị giá khoảng 165.000 USD tính đến ngày 28/9), được bồi thường thiệt hại 326.400 USD cộng với tiền lãi 32.640 USD, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu bằng sáng chế.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn