Vẫn còn rối và chỉ có trả sau
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã chính thức được triển khai từ ngày 16/11 vừa qua. Đây là dịch vụ hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên, ghi nhận lượng người đến đăng ký chuyển mạng cực ít và không quá hào hứng.
Theo chia sẻ của hầu hết của các nhân viên chăm sóc khách hàng tại các điểm giao dịch, hầu như các khách hàng đi hỏi là chính, xem có ưu đãi khi chuyển đến hay không chứ lượng người đăng ký chuyển thực tế khá ít.
Trao đổi với , ông Long, một người buôn SIM cho rằng, lý do chính cho việc khách hàng không hào hứng với dịch vụ này trong những ngày đầu có lẽ đến từ việc triển khai chỉ dành cho thuê bao trả sau. Những thuê bao này chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng số lượng thuê bao mà các nhà mạng cung cấp ra thị trường.
Một điều khác cũng theo ông Long, các nhà mạng có vẻ lờ đi chương trình này và không quảng cáo rầm rộ như việc ra đầu số mới, khuyến mại mới… Ông đặt vấn đề: “Có lẽ nhà mạng sợ người dùng biết nhiều, sợ tỉ lệ rời mạng cao”.
Điều này cũng phù hợp thực tế khi phóng viên đến các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để hỏi thông tin và xin tờ rơi xem thông tin chương trình chuyển đổi và các khuyến mại, các giao dịch viên đều không có bất cứ một tờ rơi thông tin… Một giao dịch viên trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TPHCM chỉ đưa ra một tờ rơi với các gói cước đang áp dụng cho các thuê bao của nhà mạng này và cho biết, khi chuyển đến sẽ có thể sử dụng các gói cước. Hiện tại vẫn chưa có chính sách ưu đãi khi chuyển mạng.
Ông Tùng, một chủ cửa hàng giao SIM ở quận 1, TPHCM cũng cho biết, một điều khiến cho thị trường này vẫn chưa mạnh đó là thủ tục vẫn còn khá rườm ra. Người dùng phải đến nhà mạng cần chuyển đi để thanh toán và kiểm tra thông tin cá nhân. Sau đó mới đến nhà mạng chuyển đến để đăng ký dịch vụ, nộp giấy tờ, nộp cước dịch vụ và chờ nhà mạng xác nhận trong 24 giờ… Trong 24 giờ tiếp theo, Nếu mọi xác nhận đúng thì người dùng mới được chuyển mạng hoặc nếu không được chấp nhận, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn về lý do, khách hàng vẫn được bảo đảm dịch vụ thoại, nhắn tin của nhà mạng chuyển đi trước thời điểm cắt dịch vụ trong lịch chuyển mạng. Cho nên nhiều khách hàng chờ đợi khi việc chuyển đổi với các thủ tục đơn giản hơn, dễ hơn thì mới khuyến khích họ chuyển đổi.
Giá SIM cũng đang giảm
Theo chia sẻ từ ông Long, dịch vụ mới chưa có sự tác động nào cho thị trường SIM trong nước. Việc chỉ áp dụng cho thuê bao trả sau nên những SIM trả trước vẫn giữ nguyên giá bán, chưa có bất cứ sự thay đổi nào.
Đáng chú ý, ông còn cho biết, giá SIM cũng đang giảm nhẹ trong tuần qua khi sức mua giảm, đặc biệt là các đầu số mới. Lấy ví dụ một SIM tứ quý đầu số mới hiện đang giảm ít nhất 2-3 triệu đồng.
Ông Tùng cũng cho biết tương tự, các SIM số đẹp của đầu số mới đang có sức mua thấp và giảm nhẹ, tùy theo độ đẹp của SIM.
Tuy nhiên theo dự đoán của các đại diện trên, giá SIM sẽ tăng trong đầu năm 2019 khi dịch vụ chuyển mạng giữ số được áp dụng cho các thuê bao trả sau và có thêm sự gia nhập của nhà mạng Vietnamobile vào sân chơi này. Tới lúc đó, các nhà mạng buộc lòng phải truyền thông mạnh, các chương trình kích cầu để lôi kéo thuê bao.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, dịch vụ chuyển mạng triển khai theo mô hình cơ sở dữ liệu tập trung. Các nhà mạng sẽ cập nhật thông tin về thuê bao chuyển mạng tại Cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống thiết bị của mình để phục vụ cho việc định tuyến cuộc gọi, tin nhắn… đến các thuê bao đã chuyển mạng.
Thời gian thực hiện chuyển mạng trong vòng tối đa 2 ngày với thuê bao cá nhân, 3 ngày đối với thuê bao tổ chức. Thời gian bị gián đoạn dịch vụ khi chuyển mạng tối đa là 1 giờ. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần chuyển mạng là 90 ngày và mức phí cả 3 nhà mạng này đưa ra là 60.000 đồng/lần chuyển mạng giữ nguyên số.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn