Chip công nghệ cũ - quân bài của Trung Quốc khiến Mỹ lo lắng

Thứ năm - 21/09/2023 21:49

Mỹ và châu Âu tìm nhiều cách chặn Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến, nhưng không ngăn được nước này đầu tư vào chip dùng công nghệ thấp hơn.

Thời gian qua, Mỹ liên tục thực hiện các biện pháp kiểm soát rộng rãi nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến, vốn dùng để cung cấp sức mạnh cho thiết bị thông minh, hệ thống đào tạo AI và công nghệ trong lĩnh vực quân sự. Việc ngăn chặn đã có tác dụng đáng kể, nhưng Bắc Kinh đang chuyển hướng sang mảng legacy chip. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ năm 2022 định nghĩa legacy chip là những mẫu chip không có công nghệ hiện đại và kích cỡ lớn do sản xuất trên tiến trình từ 28 mn trở lên, nhưng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nhờ sự phổ biến trong máy tính, xe điện, phần cứng quân sự.

 
Các mẫu chip cũ trên một bo mạch máy tính. Ảnh: Reuters

Các mẫu chip cũ trên một bo mạch máy tính. Ảnh: Reuters

Theo một số nguồn tin, việc Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào legacy chip đang làm dấy lên lo ngại mới. Giới chức Mỹ đang tính đến sức ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc và kích hoạt các cuộc đàm phán nhằm kiềm chế hơn nữa, thậm chí quyết ngăn chặn việc chip trở thành đòn bẩy đối quốc gia châu Á này.

Vấn đề được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ám chỉ trong một cuộc thảo luận nhóm tuần trước tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. "Số tiền mà Trung Quốc đang đổ vào để thúc đẩy sản xuất các dòng chip đời cũ là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và cần hợp tác với các đồng minh của mình để vượt lên", bà Raimondo nói.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ tiết lộ, dù mốc thời gian để thực hiện hành động chưa được đưa ra, mọi thông tin đều đã được thu thập và "tất cả lựa chọn đang được cân nhắc".

Các quan chức cấp cao của Mỹ và EU bày tỏ sự lo ngại trước nỗ lực thống trị thị trường này của Trung Quốc vì lý do kinh tế và an ninh. Họ cho rằng các công ty của nước này có thể bán phá giá legacy chip trong tương lai, khiến đối thủ nước ngoài không thể cạnh tranh, thậm chí ngừng kinh doanh. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phương Tây sau đó có thể phải quay lại phụ thuộc công ty Trung Quốc.

"Mỹ và các đồng minh nên cảnh giác nhằm giảm nguy cơ liên quan đến hành vi phi thị trường của các công ty bán dẫn mới nổi Trung Quốc", hai nhà nghiên cứu Robert Daly và Matthew Turpin của Đại học Stanford nêu trong bài luận gần đây. "Theo thời gian, nó có thể tạo ra sự phụ thuộc mới của Mỹ vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền tự chủ chiến lược của Mỹ".

Khác với chip tiên tiến được sản xuất trên tiến trình như 5 nm hay mới nhất là 3 nm, legacy chip được sản xuất với công nghệ 28 nm trở lên, vốn đã được giới thiệu cách đây hơn một thập kỷ. Dù thành phần đơn giản, chúng lại rất cần thiết cho các sản phẩm như smartphone, máy tính và xe điện, cũng như thiết bị quân sự như tên lửa và radar.

Tầm quan trọng của chip này cũng thể hiện trong thời kỳ đại dịch, khi "cú sốc nguồn cung" đã làm chao đảo lĩnh vực bán dẫn, khiến các công ty lớn nhỏ đều lao đao, thiệt hại hàng tỷ USD.

Mỹ và châu Âu đang cố gắng xây dựng nhà máy chip trong nước để giảm phụ thuộc vào châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, việc dịch chuyển sản xuất không dễ do nhiều yếu tố, như nhân lực, vốn, cũng như hầu hết công ty chưa thực sự sẵn sàng.

Thực tế, số nhà máy sản xuất chip dưới 10 nm tại Trung Quốc giảm mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, theo số liệu của SEMI World Fab, trong giai đoạn 2022-2026, Trung Quốc có thể xây mới 26 nhà máy, chủ yếu sử dụng kỹ thuật cũ hơn 14 nm. Trong khi đó, toàn bộ châu Mỹ có khoảng 16 nhà máy trong cùng kỳ.

"Khi nghĩ đến điện khí hóa phương tiện di động, hãy nghĩ đến việc chuyển đổi năng lượng, IoT, triển khai hạ tầng viễn thông, công nghệ pin. Những thứ này đều cần đến chip trung cấp hoặc đã trưởng thành", Peter Wennink, CEO ASML, cho biết. "Và đó là nơi Trung Quốc đang dẫn đầu, không có ngoại lệ".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây