Sáng kiến mới này sẽ được áp dụng đầu tiên tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và chính quyền thành phố Seoul đã bắt đầu triển khai từ ngày 30/3 và sẽ thử nghiệm trong vòng 3 tháng tới. Trong tháng 4/2018, máy tính tại các công sở ở Seoul sẽ tự động tắt vào 7 giờ 30 tối của ngày thứ 6 thứ hai và thứ tư trong tháng. Từ tháng 5/2018, máy tính sẽ tự động tắt vào 7 giờ tối của thứ 6 mỗi tuần.
Dù vậy đến 67,1% các công chức đang làm việc tại Seoul đều không ủng hộ sáng kiến này và đã yêu cầu được tiếp tục ở lại công sở để làm việc thêm giờ. Hiện chính phủ Hàn Quốc đang xem xét các trường hợp đặc biệt để miễn trừ và cho phép được ở lại công sở để tiếp tục làm việc thêm giờ.
Động thái này của chính phủ Hàn Quốc là biện pháp mới nhất để làm giảm áp lực công việc của các công chức, khi ngày càng nhiều lời than phiền từ người dân Hàn Quốc về việc các công chức phải làm việc quá căng thẳng làm mất đi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Trước đó chính quyền Seoul cũng đã chỉ định ngày thứ 4 và thứ 6 hàng tuần là “Ngày gia đình” với các công chức để buộc các công chức thành phố phải giành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhưng nỗ lực này không thực sự hiệu quả khi nhiều công chức vẫn lựa chọn ở lại công sở để làm việc thêm giờ thay vì trở về nhà.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Quản lý Nhân sự Hàn Quốc thì công chức tại quốc gia này làm việc tổng cộng 2.738 giờ mỗi năm, so với 1.763 giờ làm việc trung bình của công chức tại các quốc gia đang phát triển khác. Trong năm 2016, trung bình mỗi công chức Hàn Quốc đã làm việc thêm giờ 31,5 giờ mỗi tháng.
Chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải đẩy mạnh các biện pháp giảm giờ làm và giảm áp lực công việc cho các công chức sau khi một công chức đã đột quỵ và tử vong vào tháng 9 năm ngoái vì căng thẳng trong công việc.
Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là quốc gia đang phải đau đầu tìm giải pháp để buộc các công chức và nhân viên văn phòng phải trở về nhà đúng giờ thay vì tiếp tục ở lại công sở để làm thêm giờ.
Tác giả: T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn