Thanh Lan, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, định lắp điều hòa cho phòng trọ để chống chọi thời tiết nóng bức vào mùa hè. Do ngân sách hạn chế, cô không định mua máy mới mà lên mạng tìm điều hòa cũ, nhưng dính ngay "cú lừa".
"Tìm trong mấy hội nhóm trên Facebook, em thấy một chị nói chuyển phòng trọ nên cần bán lại chiếc điều hòa dùng "lướt". Theo người bán mô tả, máy mới lắp từ mùa nóng năm trước với giá hơn 7 triệu đồng, nay thanh lý gấp với giá hơn 3 triệu", Lan kể lại.
Tuy nhiên, theo cô sinh viên năm nhất, khi cô đến mua, người đứng ra giao dịch lại là một người đàn ông, tự nhận là người yêu của cô gái rao bán. "Em tính kiểm tra xem chạy có tốt không, nhưng lúc đến thì điều hoà đã được tháo xuống rồi", Lan chia sẻ. "Do đang cần, thấy giá lại rẻ, trước đó cũng được gửi video thử máy qua Facebook nên em vẫn lấy".
Theo Lan, chiếc điều hòa mà cô tưởng mua được giá rẻ hóa ra là hàng cũ nát, được tân trang. "Thợ lắp cho em nói đây là máy từ năm 2012 mà em không tin, đến khi lột chiếc tem mác, thấy bên dưới là một chiếc tem cũ thì em mới giật mình", cô kể. "Lúc này, gọi điện cho người bán thì không liên lạc được".
Cũng tìm mua điều hòa thanh lý trên mạng, nhưng anh Hoàng, công nhân xây dựng tại Gia Lâm, Hà Nội lại bị lừa theo cách khác. "Người bán nói chuyển gấp nên để lại giá hơn 2 triệu cho một chiếc máy lạnh dùng được ba năm, yêu cầu đặt cọc 500.000 đồng để chốt vì có quá nhiều người hỏi mua, sẽ miễn luôn tiền công tháo", anh chia sẻ.
"Thấy tài khoản Facebook có nhiều bạn bè, tương tác, trông tin cậy nên tôi chuyển tiền mà chẳng nghi ngờ gì. Đến tối định qua lấy điều hòa thì gọi điện cho người bán không liên lạc được, Facebook đã bị chặn", anh Hoàng ngậm ngùi mất khoản tiền cọc.
Với sự phát triển của mạng xã hội, việc trao đổi thông tin, mua bán trên mạng đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, hình thức giao dịch này cũng tiềm ẩn những rủi ro.
"Trong hơn hai năm làm nghề, tôi đã gặp hàng chục trường hợp khách mua điều hòa thanh lý gặp phải hàng cũ nát, hàng bị nâng đời hoặc sản phẩm có lỗi", Lê Văn Toàn, một thợ điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) nói.
Những chiếc điều hòa đời rất sâu giá chưa đến một triệu đồng, được thợ tẩy trắng nhựa, "mông má" lại rồi rao bán online. "Bệnh thường gặp của những máy này là nhanh xuống cấp, kêu to, hay chảy nước ở cửa gió và tốn điện, do được sản xuất từ lâu", anh Toàn chia sẻ.
Theo người thợ này, những chiếc điều hòa như vậy khi gặp lỗi sẽ rất khó sửa hoặc sửa tốn kém, do là hàng chất lượng kém. "Xét về bài toán kinh tế, mức 'ngốn điện' của máy lạnh cũ dùng trong 1-2 năm có khi bằng tiền thêm vào để mua điều hòa mới", anh nói.
Theo những người có kinh nghiệm, khi mua điều hòa đã qua sử dụng, nên tìm các cửa hàng hay người bán uy tín, có bảo hành và nhận luôn lắp đặt tại nhà. Có trường hợp mua được máy giá tốt nhưng lại tốn thêm công tháo, công lắp nên hàng cũ thành ra đắt gần bằng hàng mới.
Khi mua sang tay của người dùng, cần lưu ý thỏa thuận rõ về tình trạng máy, cam kết hay bảo hành. "Bản thân là thợ mà nếu chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài, không phải lúc nào chúng tôi cũng biết chính xác đời, tình trạng của điều hòa", anh Toàn chia sẻ. "Nên tìm thợ đến kiểm tra giúp mình và nếu ưng thì sẽ thuê tháo, vận chuyển và lắp luôn cho".
Không nên đặt cọc trước khi chưa biết rõ về người bán cũng như tình trạng của chiếc điều hòa định mua. Điều hòa mới có giá ngày càng rẻ, công nghệ hiện đại nên tiết kiệm điện hơn. Nhiều nơi khuyến mại công lắp đặt, vật tư hay bán trả góp.
Gia An
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn