Khi Satya Nadella lần đầu tiên nắm lấy cương vị Giám đốc điều hành của Microsoft vào tháng 2/2014, công ty đang trải qua một trong những giai đoạn "hụt hơi" và hoàn toàn kém nổi bật.
Microsoft Windows 8 được coi là một thảm họa. Nhân viên của Microsoft tại khắp nơi thì liên tục tranh cãi phía sau hậu trường về những dự án của công ty. Trong lúc đó, người tiêu dùng và các nhà phát triển cũng đã mất niềm tin vào Microsoft.
Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi.
Khi thị trường đóng cửa vào ngày cuối cùng của tháng 11, giá trị vốn hóa của Microsoft đã vượt qua Apple lần đầu tiên trong vòng 5 năm. Đây là một "dấu chấm than" về triều đại của Satya Nadella tại Microsoft, giúp công ty trở lại con đường đúng và được nâng lên một tầm cao mới.
Satya Narayana Nadella sinh vào năm 1967 tại thành phố Hyderabad, ở phía Nam Ấn Độ. Cha ông là một công chức và mẹ ông là giáo sư ngôn ngữ cổ tiếng Phạn.
Nadella từng muốn trở thành một tay chơi bóng chày chuyên nghiệp khi còn là một cậu bé, và thường xuyên chơi môn thể thao này ở trường. Nhưng rồi Nadella dần nhận thấy rằng niềm đam mê khoa học và công nghệ của anh thậm chí còn mãnh liệt hơn so với thể thao.
Nadella nhận bằng cử nhân kỹ sư điện tử tại Viện Công nghệ Manipal năm 1988. "Tôi luôn biết rằng tôi muốn xây dựng mọi thứ", Nadella từng nói.
Nhưng do Ấn Độ lúc bấy giờ không có dự án về máy tính hay khoa học nào thực sự ấn tượng, Nadella quyết định "Mỹ tiến" và theo học trường Đại học Wisconsin-Milwaukee, nơi ông tốt nghiệp vào năm 1990.
Sau khi tốt nghiệp, Nadella ngay lập tức ứng cử và làm việc tại Sun Microsystems, công ty về máy tính/máy chủ từng có quá khứ rất nổi tiếng tại thung lũng Silicon Valley, thậm chí còn được coi là "huyền thoại".
Mãi tới năm 1992, Nadella mới gia nhập Microsoft. Vào thời điểm đó, người sáng lập Bill Gates vẫn nắm giữ chiếc ghế CEO, và hệ điều hành Windows chỉ vừa mới bắt đầu hành trình thống trị thế giới.
Lúc bấy giờ, Nadella là một trong số khoảng 30 người nhập cư Ấn Độ làm việc tại Microsoft. Các dự án đầu tiên của ông bao gồm sản phẩm TV tương tác của Microsoft và hệ điều hành Windows NT.
Trong khoảng thời gian này, Nadella đã tổ chức hôn lễ, nhưng Anu - người vợ của anh, vẫn đang sống tại Ấn Độ và mọi chuyện trở nên phức tạp do luật nhập cư. Nadella sau đó thậm chí đã từ bỏ tình trạng thường trú nhân của mình và lấy visa H-1B nhằm khai thác lỗ hổng và có thể mang vợ mình đến Mỹ để sống cùng.
Ngay từ những năm đầu tiên ở Microsoft, Nadella đã gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và các nhà quản lý của mình thường xuyên di chuyển mỗi cuối tuần từ cơ sở của Microsoft ở Redmond, Washington, cho đến trường Đại học Kinh doanh Chicago để hoàn tất chương trình MBA của mình.
Năm 1999, Nadella lần đầu tiên được thử sức với vai trò điều hành dưới cương vị Phó chủ tịch của Microsoft Central, một tập hợp các dịch vụ web cho các doanh nghiệp nhỏ bao gồm lưu trữ trang web lưu trữ và email.
Năm 2001, Nadella trở thành phó chủ tịch của Microsoft Business Solutions. Nhóm này đã được hình thành thông qua một loạt các thương vụ được Microsoft mua lại, bao gồm Great Plains, đã tạo ra phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sự nghiệp của Nadella tiếp tục thăng hoa như "diều gặp gió". Năm 2007, ông trở thành Phó chủ tịch cấp cao của Microsoft Online Services, trực tiếp quản lý công cụ tìm kiếm Bing, cũng như các phiên bản trực tuyến của Microsoft Office và dịch vụ chơi game Xbox Live.
Tháng 2/2011, Nadella đảm nhiệm thêm một vị trí khác, lần này là Chủ tịch của Bộ phận Máy chủ và Công cụ (Server and Tools Division) với các sản phẩm như Windows Server, cơ sở dữ liệu SQL Server, và "quân bài chiến lược" mang tên nền tảng đám mây Microsoft Azure.
Khi Nadella tiếp quản công việc kinh doanh máy chủ và công cụ, Microsoft đạt doanh thu 16,6 tỷ đô la. Đến năm 2013, số tiền đó lên đến 20,3 tỷ đô la.
Tuy nhiên sau thời gian đó, Microsoft lâm vào một giai đoạn khó khăn khi nền tảng Windows 8 bị chỉ trích nặng nề. Trên mặt trận di động, Windows Phone cũng bị áp đảo bởi lần lượt Android và iOS. Bing cũng không thể chiến thắng sức ép từ Chrome. Điều này dẫn tới hệ quả là Steve Ballmer từ chức năm 2013.
Tháng 2/2014, trải qua nhiều tin đồn, Microsoft chính thức bổ nhiệm "CEO mới" Nadella , cùng với sự trợ giúp của Ballmer và Bill Gates.
Nadella nhanh chóng giành được sự tín nhiệm từ nhân viên của Microsoft bằng cách thực hiện những thay đổi lớn và nhanh chóng, trong nỗ lực để hướng tới thị phần và giành lại khách hàng.
Những chiến lược rõ ràng và mang lại tính hiệu quả cao có thể kể tới dưới triều đại CEO Nadella bao gồm hợp tác với các đối thủ khác trên thị trường, điển hình như cho phép Linux chạy trên nền tảng Microsoft Azure, ra mắt bộ công cụ Microsoft Office trên iPad, và nhiều app riêng của Microsoft trên nền tảng Android, iOS.
Thành công của Nadella còn kể tới dòng sản phẩm Microsoft Surface Book - thế hệ laptop đầu tiên và duy nhất tại Microsoft, hay ứng dụng công nghệ tương lai trên HoloLens.
Nadella cũng định hướng công ty đến một số thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay, điển hình như 26,2 tỷ đô la dành cho LinkedIn năm 2016, hay 7,5 tỷ đô la cho website chia sẻ mã nguồn GitHub.
Thành quả là từ năm 2014 đến năm 2015 ghi nhận năm đầu tiên cổ phiếu của Microsoft tăng 14%. Tháng 11/2018, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm khi ông lần đầu nắm quyền, vượt Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới.
Quan trọng hơn hết, Nadella là người đã gắn kết những mảnh vỡ tại Microsoft trong giai đoạn khó khăn, giúp các nhân viên đoàn kết và đồng thuận. "Những lời than phiền đã không còn", CEO Nadella từng nói sau khi "thu nạp" tổng cộng 150 giám đốc dưới quyền tại Microsoft vào đầu năm 2018.