Trong bối cảnh cả nước đang phải đối phó với dịch Covid-19 theo tiêu chí hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi ra ngoài thì việc người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tích trữ đồ ăn trong nhiều ngày là điều rất dễ bắt gặp.
Tuy nhiên, việc tích trữ nhiều đồ ăn trong một chiếc tủ lạnh có hạn chế về mặt không gian là một thử thách không nhỏ với người làm bếp. Có thể điểm mặt một số tác hại của việc sắp xếp không hợp lý, đó là rất khó để chúng ta lấy đồ ăn ra. Thậm chí một số món ăn khi mua về có thể bị ... bỏ quên vì không tìm thấy.
Bố trí kém ngăn nắp các loại đồ ăn, từ thịt, cá, rau, củ quả, cho tới các món chế biến sẵn, còn gây ra tình trạng thức ăn bị trộn lẫn, ám mùi, và dây bẩn ra mặt trong của tủ lạnh, khiến chúng vô tình trở thành môi trường nhiễm khuẩn, có hại cho sức khỏe.
Do đó trong bài viết dưới đây, sẽ chia sẻ với bạn đọc một số mẹo nhỏ có thể tham khảo để tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh một cách ngăn nắp, khoa học, đảm bảo vệ sinh.
1. Sử dụng hộp đựng thực phẩm
Nhiều người quan niệm rằng hộp đựng thực phẩm quá cồng kềnh để đựng đồ ăn, và sẽ chiếm nhiều diện tích khi đặt vào tủ lạnh. Tuy nhiên, việc xếp chồng nhiều hộp đựng lên nhau thành nhiều tầng và đặt vào tủ lạnh lại là cách tối ưu không gian nhất. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả hơn so với việc đặt đồ ăn trong bát, hay dùng xoong, nồi.
Để làm điều này được tốt hơn, chúng ta cần mua nhiều hộp đựng với những kích thước khác nhau, và quan trọng là chọn loại có thể xếp chồng lên nhau một cách chắc chắn, ngăn nắp. Đặt thực phẩm trong hộp không chỉ giúp chúng ta tích trữ được nhiều loại thức ăn khác nhau, mà còn giúp cho việc lấy đồ ăn ra khỏi tủ được dễ dàng hơn.
Đây cũng là cách tốt nhất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh bị ám mùi, và giúp thức ăn tươi ngon. Đối với các loại đồ khô như tôm, cá khô, xương ống, xương bò... bạn có thể chia vào các túi zip.
2. Mỗi loại thực phẩm lại có cách bảo quản riêng
Khi mua các thực phẩm tươi sống, giàu đạm như tôm, cá,... người dùng nên sơ chế sạch sẽ rồi mới đặt vào hộp. Giữa các lớp cá, bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm để ngăn cách. Điều này giúp chúng không bị dính và dễ lấy.
Tuy nhiên đối với các loại rau, củ, người dùng không nên rửa trước vì dễ gây úng, hỏng rau. Với một số loại rau có cọng nhỏ, mỏng như rau mùi, rau muống, hành lá,... bạn nên đặt vào các hộp dẹt thay vì túi zip hay màng bọc thực phẩm, vì chúng dễ bị nát khi để chồng các túi lên nhau. Loại khác như củ cải, su hào, bắp cải,... có thể dùng túi zip để bảo quản.
Đối với các loại quả, nếu không dùng ngay, bạn có thể rửa sạch rồi cất vào hộp, thay vì đặt trực tiếp lên khay tủ lạnh vì nơi này có thể bám bẩn sau nhiều lần tích trữ.
3. Đồ ăn đặt trong tủ lạnh thời gian thế nào thì hợp lý?
Để giữ thực phẩm tươi ngon, thông thường thì chất đạm có thể trữ đông lâu nhất 6 tháng, với rau củ là khoảng 1 tuần.
Giữa ngăn đông với ngăn mát, cũng cần có bố trí hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Thí dụ như bạn có thể lấy thịt từ ngăn đông để vào ngăn mát từ tối hôm trước.
Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian chế biến, mà còn giúp giữ nguyên vị tươi ngon của thịt do không phải cho vào lò vi sóng để giã đông.
4. Ban đêm, để một bát nước trong ngăn đá
Bạn có thể tiết kiệm điện cho tủ lạnh bằng cách để một bát nước hoặc khay nước vào ngăn đá lúc buổi tối, sau đó vào sáng hôm sau, chuyển bát nước này xuống ngăn mát.
Lý do là bởi vào ban đêm, cửa tủ lạnh gần như không mấy khi bị mở ra, đóng vào. Bát nước để vào ngăn đá, khả năng làm lạnh sẽ nhanh và không tiêu hao điện năng nhiều như ban ngày.
Khi chuyển bát nước đá vào ngăn mát, đá sẽ tự rã dần dần cho đến khi tan hết. Từ đó, khí mát tỏa ra khắp ngăn, hạn chế sử dụng điện ở mức cao để làm mát ngăn bảo quản này. Lặp lại cách này hàng ngày tủ lạnh sẽ không phải tiêu hao quá nhiều điện năng.
Một lợi ích khác, trong quá trình rã đông trong ngăn mát, bát nước này cung cấp nước "tươi" cho thực phẩm, khiến rau quả không bị héo nhanh, đỡ bị mất nước, duy trì được độ tươi ngon, kéo dài thời gian bảo quản, đạt được mục đích cao nhất là làm tươi thực phẩm trong thời gian dài hơn.
5. Làm đá nhanh hơn
Nếu thường xuyên cần dùng nước đá, bạn có thể sử dụng cách sau để làm lạnh nhanh, hiệu quả, thay vì phương pháp thông thường.
Đầu tiên, bạn tìm một tấm giấy bạc khổ lớn. Tiếp theo, bọc giấy bạc bên ngoài khay đá, sau đó mới đưa vào tủ lạnh. Khoảng 1 - 2 giờ sau, bạn đã có thể sử dụng khay đá này.
Lý do sử dụng giấy bạc bởi đây là vật liệu dẫn nhiệt rất lớn, nên nếu bọc giấy bạc bên ngoài khay đá sẽ tạo nhiệt lạnh nhanh hơn, nước mau đông hơn. Đây cũng là lý do giúp giấy bạc thường được dùng trong các lò nướng, để giúp tản nhiệt hiệu quả, nhanh chóng để làm chín thực phẩm.
Nguyễn Nguyễn
Tổng hợp
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn