Theo nhiều thông tin, máy ảnh và ống kính phải được bảo quản trong môi trường có độ ẩm từ 45% đến 50% nhưng ở Việt Nam độ ẩm không khí đến khoảng 80%. Đặc biệt, vào những ngày mưa nhiều thì độ ẩm trong không khí còn tăng cao hơn nữa và dễ gây ra tình trạng ẩm mốc cho máy ảnh và ống kính. Khi những thiết bị này bị ẩm mốc thì chất lượng hình ảnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nguy hại hơn có thể là các thiết bị sẽ hư hỏng hoàn toàn.
Vì vậy, vào mùa mưa người dùng cần chú ý bảo vệ các thiết bị máy ảnh hoặc ống kính của mình cẩn thận hơn. Sau đây là 5 tuyệt chiêu bảo vệ máy ảnh, ống kính khỏi ẩm mốc vào những ngày mưa ẩm ướt.
1. Thùng kín và gạo
Bảo quản bằng cách cho thiết bị vào thùng kín có gạo rang bên trong, gạo rang lên sẽ khô và háo nước nên sẽ hút hết hơi ẩm trong thiết bị, phương pháp này cũng tương tự phương pháp dùng hạt hút ẩm và đồng hồ đo độ ẩm.
Ưu điểm của phương pháp này là rẻ tiền và có thể tự thực hiện tại nhà. Hạn chế là người dùng sẽ không biết được độ ẩm chính xác là bao nhiêu, có đạt mức cần thiết hay chưa? Nhưng hạn chế này có thể khắc phục bằng cách mua thêm một đồng hồ đo độ ẩm để theo dõi. Khi độ ẩm vượt ngưỡng cho phép, người dùng có thể thay gạo mới hoặc đem gạo cũ đi rang lại.
2. Hộp chống ẩm
Hộp chống ẩm là một hộp nhựa cứng với nắp đậy kín ở trên, bên trong thường có chứa sẵn các hạt hút ẩm bằng silicon và thường có thêm một ẩm kế để tiện cho việc theo dõi nhiệt độ. Chiếc hộp này rất dễ tìm tại các cửa hàng bán máy ảnh hoặc có thể tìm mua ở chợ hoặc siêu thị.
Cũng có một số hộp chống ẩm không được trang bị ẩm kế. Trong trường hợp này, người dùng có thể mua thêm ẩm kế đặt vào trong. Nếu chỉ số độ ẩm trong hộp quá cao, chỉ cần thay thế phần hạt hút ẩm cũ bằng những hạt hút ẩm mới.
Chi phí cho 1 chiếc hộp chống ẩm cũng không quá cao, chỉ khoảng 200-500 nghìn đồng. Điều hạn chế là hộp chống ẩm thường có diện tích không quá lớn, chỉ vừa 1 body máy ảnh với 1 vài ống kính có kích thước nhỏ gọn.
3. Sử dụng đèn hoặc tia UV
Người dùng có thể tận dụng nguồn sáng có tác dụng nhiệt từ những chiếc đèn ngủ hoặc dùng những chiếc đèn có tia UV thắp trực tiếp vào vị trí đặt ống kính. Cách làm này
Đây là mẹo chống ẩm lâu đời của những người thợ ảnh, nó cũng mang tới tác dụng khá tốt giúp máy giảm độ ẩm, ngăn ngừa nấm mốc sinh sôi. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu khoa học, tia UV có tác dụng rất tốt trong việc diệt trừ nấm mốc, vi khuẩn.
Tuy nhiên, nhược điểm của cách làm này là người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát độ ẩm một cách chính xác. Tia UV chỉ thích hợp để dùng trong các trường hợp độ ẩm dưới 60%. Hơn nữa, loại tia này cũng có thể gây ra những tác hại không tốt cho sức khỏe con người.
4. Tủ chống ẩm
Tủ chống ẩm là một thiết bị được thiết kế giống chiếc tủ kính bình thường nhưng hoạt động bằng năng lượng điện. Bên trong tủ có 1 hoặc nhiều ngăn với lớp đệm để đặt các thiết bị. Quan trọng là tủ có nút điều chỉnh lượng nhiệt độ bên trong và một ẩm kế để theo dõi độ ẩm.
Bảo quản bằng cách để thiết bị trong tủ chống ẩm là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất vì có đồng hồ đo và nguyên lý hoạt động rõ ràng. Đồng thời, đây cũng là phương pháp tốn kém nhất với giá thành từ 100USD trở lên. Khi cài đặt độ ẩm phù hợp thì tủ sẽ tự động duy trì ở độ ẩm đó nên chúng ta không bận tâm lắm cho việc theo dõi.
5. Túi hút ẩm
Nếu người dùng không có thời gian để hút ẩm cho máy ở nhà vì phải thường xuyên di chuyển thì nên trang bị cho mình 1 chiếc túi đựng máy ảnh loại tốt, có thể chống chịu thời tiết.
Nhưng trước khi cho máy ảnh vào túi đựng hoặc balo, nên dùng thêm một chiếc túi nylon loại dày và có kéo mút ngăn không khí để đựng máy ảnh. Sau đó, dùng một túi vải mỏng bỏ các hạt hút ẩm vào, buộc kín lại và bỏ chung vào trong bao nylon chứa máy ảnh.
Cách này có thể áp dụng cho tất cả các thiết bị điện tử khác mà bạn phải mang theo bên mình.
Thư Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn