Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020. Trong đó, lĩnh vực viễn thông với điểm nhấn là kế hoạch thử nghiệm 5G vào năm 2019 - thương mại hoá vào năm 2020, đã trở thành chủ đề được nhắc tới nhiều tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá vào năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G/4G nữa”. Chia sẻ thêm, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới về công nghệ.
Được biết trong năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.
Thông qua phương án tắt sóng 2G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ”. “Như Steve Jobs từng nói, rằng “Cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống”, sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để “a lô”. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong năm 2019, ngành viễn thông năm 2019 có nhiều điểm nhấn đáng chú ý, bao gồm việc đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%) sau hơn một năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số; Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90%; Số tên miền .vn đạt gần 500.000 tên miền, đứng thứ 64/1550 tên miền được cung cấp trên toàn thế giới, tăng trưởng gần 8% so với năm 2018; Tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 trên thế giới với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6.
Ngoài ra, cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của CP về việc giao cho nhà mạng đảm nhận thêm vai trò của các nền tảng mới, như nền tảng số, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Với lợi thế phổ cập, cả về mạng lưới và kênh phân phối, và cả lợi thế về công nghệ và tài chính, mạng viễn thông có thể đảm nhiệm tốt vai trò các nền tảng khác, giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 472.321 tỷ đồng, tăng 118,06% so với năm 2018. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính: 390.137 tỷ đồng, tăng 8,06% so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước tính: 39.712 tỷ đồng, tăng 15,48% so với năm 2018).
Theo kế hoạch phát triển vào năm 2020, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Viễn thông; Luật Tần số Vô tuyến điện trình Quốc hội. Thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ 5G; triển khai các biện pháp để giảm số thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ công nghệ 2G để chuẩn bị cho công tác tắt sóng 2G sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Thúc đẩy việc triển khai thí điểm Mobile Money; tiêu dùng dữ liệu và triển khai sáng kiến Roaming Like At Home trong các nước khối ASEAN.
“Với lợi thế phổ cập, cả về mạng lưới và kênh phân phối, về công nghệ và tài chính, mạng viễn thông cần đảm nhận tốt vai trò của các nền tảng khác, giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo. “Nhà mạng cũng phải đảm nhận sứ mệnh của doanh nghiệp nền tảng, đảm bảo nền tảng phải sạch, phải an toàn, và đảm bảo các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông cũng phải sạch, phải an toàn”.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn