Bảo vệ trẻ em trong môi trường số

Thứ sáu - 11/04/2025 21:15
Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram hay Facebook đã thu hút hàng triệu trẻ em, mở ra không gian học tập, kết nối và sáng tạo. Thế nhưng, đi kèm với đó là những hệ lụy đáng lo ngại mà chúng ta không thể thờ ơ.
Các em nhỏ tại điểm trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)
Các em nhỏ tại điểm trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta vẫn thường nói trẻ con ở nhà thì ngoan. Tuy nhiên, trong thời đại số, trẻ ở nhà chưa chắc đã an toàn, bởi còn một không gian rộng lớn là mạng xã hội mà cha mẹ có thể chưa tiếp cận”.

Một khảo sát cũng cho thấy, việc trẻ em tiếp cận mạng xã hội khi tuổi còn rất nhỏ ở nước ta khá phổ biến. Trẻ em mới 5 đến 8 tuổi đã biết truy cập mạng xã hội, nhiều em có tài khoản riêng. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực khi các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức tự bảo vệ.

Tại Việt Nam, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, quy định người dưới 16 tuổi sẽ không được phép tự đăng ký tài khoản mạng xã hội. Cha, mẹ và người giám hộ có trách nhiệm giám sát, quản lý những nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật do ảnh hưởng từ mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Không ít thanh thiếu niên học đòi các clip xấu độc dẫn đến vi phạm luật giao thông, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí bị đối tượng xấu lôi kéo vào các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất cấm… Diễn biến này đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn.

Để các chính sách quản lý thật sự phát huy hiệu quả, cần triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng chính sách, truyền thông, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật, nhất là khi nhiều phụ huynh chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, chưa quen với các công cụ bảo vệ trẻ em trong môi trường số.

Rõ ràng, vai trò của “tứ giác đồng hành” gồm Nhà nước-doanh nghiệp công nghệ-nhà trường-phụ huynh là rất quan trọng. Nhà nước thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng trên không gian mạng, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ quy định bảo vệ trẻ em Việt Nam. Các nền tảng cần có trách nhiệm kiểm soát độ tuổi, giám sát nội dung và bảo vệ dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc gia.

Nhà trường cần đưa giáo dục kỹ năng số vào chương trình học. Cha mẹ cần được tập huấn và hỗ trợ để đồng hành cùng con trong môi trường số. Các công cụ giúp cha mẹ kiểm soát trẻ về nội dung, thời gian trên không gian mạng cần được phổ biến và dễ sử dụng hơn. Mạng xã hội có thể trở thành công cụ hữu ích, nhưng chỉ khi nó được sử dụng một cách có trách nhiệm và an toàn.

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC