Nhìn trên hồ sơ, Tim Cook không thể là một ứng cử viên để trở thành CEO của một công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ. Ông sinh ra tại một thị trấn nhỏ, thuộc bang Alabama xa xôi của nước Mỹ, với bố mẹ là tầng lớp lao động. Bản thân Tim Cook cũng không được học những kiến thức chuyên ngành để trở thành CEO, như môn kỹ thuật hay kinh doanh.
So với Cook, người tiền nhiệm Steve Jobs rõ ràng là ấn tượng hơn, khi ông sinh ra tại bang California - nơi có nền kinh tế phát triển, rất ham học hỏi, thông minh, nhiệt huyết và đam mê công nghệ. Điều này đã được minh chứng khi Jobs trở thành huyền thoại ở Apple nhờ liên tiếp đưa công ty từ thành công này đến thành công khác.
Thế nhưng với Tim Cook, mặc dù bị đánh giá rất thấp khi được chọn là người kế nhiệm Steve Jobs, nhưng ông lại đang cho thấy mình là một thiên tài theo đúng nghĩa đen, và chèo lái con tàu Apple không thua kém gì so với người thuyền trưởng cũ.
Một Apple khác biệt dưới thời Tim Cook
Qua thời gian, Cook đã chứng minh rằng ông là một người có đạo đức và giá trị ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động của công ty.
Bằng cách này, Cook đang thúc đẩy Apple và toàn bộ ngành công nghiệp IT tiến lên trong thực hiện chuyển đổi về đạo đức, cũng là vấn đề bị xoáy vào rất sâu tại thung lũng Silicon - nơi mà những gã khổng lồ công nghệ bị cáo buộc là thiếu sót về đạo đức, lạm dụng tình dục, bóc lột công nhân, có môi trường văn hóa đáng lên án.
Một minh chứng điển hình về giá trị đạo đức ở Tim Cook, là khi Apple tuyên bố sẽ góp phần khôi phục Nhà thờ Đức Bà ở Paris sau vụ hỏa hoạn lớn. Không chỉ vậy, kể từ khi Cook đảm nhận vai trò CEO từ năm 2011, Apple đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các tổ chức cứu trợ thảm họa, các chương trình hỗ trợ giáo dục và các tổ chức nhân quyền, y tế.
Trong khi đó, người tiền nhiệm Steve Jobs hầu như không tham gia các hoạt động từ thiện dù có mức tài sản tương đối cao. Ông thậm chí còn từ chối tham gia Giving Pledge - tổ chức thiện nguyện do Warren Buffett và Bill Gates thành lập.
"Muốn được tiếng hay thì hãy làm điều tốt việc thiện"
Một trong những điều đầu tiên mà Tim Cook thực hiện khi trở thành CEO Apple là ký một chương trình trong đó Apple sẽ kết hợp quyên góp lên tới 10.000 USD dựa trên mỗi nhân viên hàng năm. Kết quả là chỉ sau 2 tháng, công ty và nhân viên của Apple đã quyên góp tới 2,6 triệu USD - một số tiền khổng lồ.
Apple cũng đã quyên góp 50 triệu USD cho các bệnh viện tại thành phố Stanford, nơi mà Steve Jobs đã điều trị căn bệnh ung thư của mình - như một nghĩa cử cao đẹp của Tim Cook dành cho người tiền nhiệm.
Apple đã không công bố bất kỳ số liệu mới nào liên quan đến khoản quyên góp của nhân viên kể từ đó tới nay. Tuy nhiên vào năm 2018, sau khi chính quyền ông Trump tiến hành điều chỉnh luật thuế của Mỹ, CEO Tim Cook tuyên bố rằng số tiền quyên góp của các nhân viên sẽ được tăng gấp đôi với tỷ lệ 2:1 thay vì 1:1 như trước kia.
Cook đưa Apple lên một tầm cao mới
Cook đã đúng khi nói rằng những công ty tốt nhất là công ty đa dạng và có chiều sâu. Apple vì lẽ đó, nổi bật trên đường để trở thành một công ty có một lực lượng lao động đa dạng.
Tính từ năm 2017, một nửa số nhân viên mới của Apple ở Mỹ là các nhóm thiếu chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ. Thay vì tìm kiếm người tốt nhất trong một lĩnh vực, Apple đang tìm kiếm người tốt nhất tại nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Tôi không muốn rằng kinh doanh thì chỉ nên nhắc tới những thứ thuộc về thương mại. Kinh doanh với tôi không là một bộ sưu tập con người. Nếu mọi người có những giá trị khác nhau, thì bằng cách nhân rộng, một công ty cũng có nhiều giá trị khác nhau", Cook nói.
Và mặc dù Apple đã trở thành công ty "nghìn tỷ" đầu tiên trên thế giới nếu xét về doanh thu, nhưng dưới sự lãnh đạo của mình, Tim Cook đã làm được nhiều hơn thế bằng cách chứng minh câu ngạn ngữ cổ rằng "Muốn được tiếng hay thì hãy làm điều tốt việc thiện".
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn