Bà Tân bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng sau khi đạt 200 ngàn lượt đăng ký chỉ sau 1 tuần lập kênh, rồi tiếp đó là 1 triệu đăng ký chỉ sau 2 tuần. Tính tới trưa 3/6, kênh bà Tân Vlog có tổng cộng 1,76 triệu lượt đăng ký - con số mà nhiều YouTuber dù làm nội dung cả chục năm trời cũng chưa thể chạm tới.
Chính sự mộc mạc, chân thật trong cách nói chuyện của bà Tân đã biến những video nấu ăn bình thường trở thành nội dung khiến cư dân mạng thích thú, từ đó theo dõi nhiều hơn. Đây cũng là lần hiếm hoi mà một nội dung tưởng như rất đỗi giản dị này lại được cộng đồng mạng quan tâm nhiều đến thế.
Kênh YouTube của Bà Tân tăng trưởng nhanh tới mức có lúc đạt top 3 trên bảng xếp hạng thế giới dù chỉ có khoảng hơn 30 video. Nhiều thông tin cho rằng bà Tân có thể kiếm được từ 10.000 đến 12.000 USD/tháng, dù chưa bật tính năng gắn quảng cáo lên video, hoặc do chưa được YouTube cấp quyền.
Từ ý tưởng mới lạ thành "cuộc chiến vương quyền"
Chính bởi nguồn thu nhập "trong mơ", cũng như việc bỗng nhiên trở thành nổi tiếng, "hiện tượng mạng" bà Tân Vlog đã tạo cảm hứng cho một loạt các ông già, bà già khác cùng nhảy vào làm video để đăng lên YouTube.
Những ngày qua, có thể dễ dàng chứng kiến các kênh mới như "Bà Mập Vlog", "Bà Đường Vlog", "Bà Sáu vlog", “Ông 3 Vlog",… mọc lên "như nấm". Nội dung các kênh này chủ yếu quay cảnh đời thường của các "nhân vật chính" như đi làm ruộng, nấu các món ẩm thực đồng quê,…
Song, từ một mong muốn giản dị đó là chia sẻ các nội dung về nấu ăn, giờ đây dường như các cụ ông, cụ bà đang bị cuốn vào một trào lưu mà ở đó dường như mang đậm tính ganh đua và kiếm tiền nhiều hơn.
Kênh "Ông 3 Vlog" thậm chí tuyên bố rằng sẽ "lấy lại danh dự cho cánh đàn ông trước Bà Tân Vlog". Ở phần chú thích, ông Ba nói: "Dạo này ông thấy trên mạng có bà Tân Vlog đang làm mưa làm gió quá nên ông phải bảo thằng cháu làm cho ông kênh này để cánh đàn ông theo kịp phụ nữ trong thời đại công nghệ 4.0 này." Video này nhanh chóng đạt hơn 2 triệu lượt xem và gần 100.000 lượt thích.
Tính tới nay, kênh "Ông 3 Vlog" có 193 nghìn đăng ký, dù mới chỉ có vỏn vẹn 5 video. Cùng với đó, các kênh như Bà Sáu Vlog (71 nghìn đăng ký), bà Tám Vlog (57 nghìn đăng ký), bà Mập Vlog (38 nghìn đăng ký) cũng đang tăng trưởng nhanh với tốc độ chóng mặt.
Có thể thấy rằng điểm chung của những kênh này đó là biết nhấn mạnh vào các từ khóa "hot" để thu hút người xem như "Gỏi đu đủ khổng lồ", "Lươn siêu to um lá cách", "làm bánh 15kg", "miếng chả cá chiên 10kg khổng lồ", "phồng tôm ngũ sắc khổng lồ",... hay các từ khóa mới lạ, kích thích sự tò mò như "nấu ăn trên chiếc chảo thời chiến tranh", "nướng gà bằng máy xao chè",...
Dân mạng đồng tình có, phản đối có, trung lập cũng có
Trước sự thành công đầy bất ngờ của các kênh YouTube "ông lão", "bà lão", cộng đồng mạng đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người mang quan điểm ủng hộ các ông bà làm YouTube, cho rằng đây là trào lưu mới lạ. Một số người lại săm soi, bóc mẽ tiểu tiết, đánh giá những video này đơn giản, ngô nghê, không đặc sắc, và thậm chí quy kết là đã "mua lượt đăng ký" nên mới có thể "lên nhanh" như thế.
Quả thực, có một sự thật không thể chối bỏ đó là những kênh YouTube dạng này - đặc biệt là những kênh thành công, có lượt đăng ký cao, đều được con cái các ông bà hỗ trợ phần nhiều, thậm chí viết kịch bản và xây dựng tình tiết.
Điển hình như kênh Bà Tân Vlog được thành công như thế, theo nhiều ý kiến của cộng đồng mạng, phần nhiều là do Hưng - con trai bà, cũng đồng thời là một vloger đình đám của giới trẻ với kênh YouTube hơn 1,3 triệu lượt đăng ký.
Chia sẻ với báo giới, Hưng nói rằng mình chính là người lên ý tưởng những món ăn "siêu to khổng lồ" cho mẹ nấu và cũng xuất hiện trong video với tư cách là người thưởng thức những món ăn này. Hưng cũng thường xuyên chia sẻ các video từ kênh của "Bà Tân Vlog" lên kênh cá nhân, nên kênh này mới được nhiều người biết đến tới vậy.
Một ví dụ khác như kênh "Ông 3 Vlog" thực chất là do các cháu của ông - những người sở hữu kênh "nút vàng" TamMaoTV và fanpage cùng tên trên mạng Facebook một tay "lăng xê" nên mới được nhiều người xem tới vậy.
Một bộ phận YouTuber sau khi nắm rõ được thông tin đằng sau, đã chia sẻ nhiều ý kiến không thực sự công nhận thành tích của các ông bà làm YouTube.
"Nên nhớ rằng vài nghìn sub YouTube trong thời kỳ đầu lập kênh cũng là cả một vấn đề, vì thế họ cho rằng tất cả đều nhờ bàn tay của người khác câu kéo hộ, chống lưng nên mới có thể phát triển nhanh như vậy", một YouTuber nói.
"Các thế lực đứng sau các ông bà Vlog hiện nay đều là YouTuber nút vàng", một người dùng khác chia sẻ.
Cuối cùng, những người này kết luận rằng đó là một sự bất công cho nhiều người "làm YouTube chân chính, đam mê" khác, mà không có sẵn trong tay một đội ngũ để lăng xê, quảng bá.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng bất kỳ ai cũng sẽ tận dụng những nguồn lực sẵn có của mình để đạt được thành công, và những kênh này đương nhiên vẫn phát triển do không vi phạm quy định nào của YouTube.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn