4G là sự khởi đầu hoàn hảo
Vào năm 2017, lần lượt các mạng di động tại Việt Nam thương mại hóa 4G. Với nhiều cách phủ sóng khác nhau, tới nay, mạng 4G đã cơ bản phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam.
Tại Hội thảo quốc tế 4G/5G diễn ra hồi đầu tháng 4, đại diện Ban tổ chức cho hay, trong năm 2017, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam là 35 – 37 Mbps, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G.
Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, thời gian qua, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G.
Đồng tình với nhận định trên, chia sẻ trước báo giới mới đây, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia và đồng thời là đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho hay, 4G là nền tảng cho 5G. Do đó, các nhà mạng cần đảm bảo mạng 4G của họ đang ở trong trạng thái tốt và sẵn sàng cho mạng di động thế hệ tiếp theo.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia cho rằng 5G sẽ là "đòn bẩy" giúp Việt Nam tiến nhanh trong cuộc cách mạng 4.0.
Cũng theo ông, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cách Việt Nam sản xuất và thiết kế sản phẩm. Dựa vào sức mạnh của trí tuệ nhân tạo và phân tích, dữ liêu lớn…, cách mạng 4.0 sẽ số hóa hoàn toàn các ngành sản xuất. Và, để làm được điều này, với hàng tỷ kết nối, một hạ tầng Internet băng siêu rộng như 5G là việc tất yếu phải làm.
Lấy ví dụ như với ôtô tự lái, người ta phải cần một tốc độ Internet siêu nhanh, độ trễ siêu thấp, độ tin cậy cực cao để có thể vận hành một cách an toàn, điều mà 4G không thể trợ giúp. Hoặc, với 5G, một bác sỹ ngồi ở thành phố có thể điều khiển một robot mổ cho một bệnh nhân tại nông thôn…
Lợi thế từ 5G
Các chuyên gia cũng cho rằng, để bắt nhịp cùng “con tàu 4.0” (cuộc cách mạng 4.0), Việt Nam không nên chậm chân trong việc triển khai 5G.
Theo ông Denis Brunetti, sự kết hợp giữa sản phẩm radio mở rộng và các hỗ trợ lên 5G cho radio đã được triển khai của Ericsson cho phép các nhà khai thác thuận lợi hơn trong việc chuyển đổi từ 4G lên 5G. Ông cho rằng năm 2021 là thời điểm thích hợp để Viêt Nam triển khai 5G. Bởi, “các quốc gia tiên phong trên con đường 5G sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đa ngành được đẩy mạnh”.
Ông Denis cho biết, ngay trong năm 2018, 5G sẽ ra mắt thị trường toàn cầu và triển khai IoT di động trên quy mô lớn được giới thiệu. Những công nghệ này sẽ đem tới tác động lớn cho cuộc sống con người, biến đổi các ngành công nghiệp khi mà nhà chức trách nỗ lực đi đến thống nhất về băng tần, tiêu chuẩn và công nghệ phù hợp.
Phân tích trong Báo cáo Thương mại về Tiềm năng 5G của Ericsson cũng chỉ ra rằng, các nhà mạng Việt Nam sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỷ USD doanh thu khi sử dụng 5G để giải quyết các ngành số hóa công nghiệp. Và, cơ hội lớn nhất về doanh thu cho các nhà khai thác viễn thông trên công nghệ 5G nhằm trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng tiện ích.
Với những lợi ích đem lại, rõ ràng Việt Nam cần có những bước đi phù hợp, có phương án đầu tư chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.
Ông Denis cũng cho rằng công nghệ 5G sẽ được các nước phát triển trên thế giới triển khai từ năm 2020, trong khi đó, thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam bắt kịp công nghệ này là năm 2021. Ông cũng cho rằng, 5G sẽ giúp người dùng hưởng lợi nhiều nhất khi cước sử dụng mạng này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các mạng 3G và 4G.
Ericsson cũng dự báo sẽ có hơn 1 tỷ đăng ký 5G cho băng thông rộng di động tiên tiến vào cuối năm 2023, chiếm khoảng 12% tổng số thuê bao di động.
Tác giả: Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn