Phát hiện này khẳng định phỏng đoán một phần của thành phố này đã bị sóng thần đánh chìm vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Nó cũng khẳng định Neapolis đã từng là thành phố, trung tâm lớn nhất thế giới La Mã cổ nhờ loại nước mắm lên men garum nổi tiếng.
"Đây là một phát hiện lớn", người đứng đầu nhóm nghiên cứu Tunisia-Ý, Mounir Fantar, cho biết.
Fantar cũng nói thêm cuộc thám hiểm dưới nước đã phát hiện ra tàn tích của đường phố, tượng đài, và khoảng 100 bể chứa để làm garum.
"Qua phát hiện này, chúng tôi có thể khẳng định rằng Neapolis từng là trung tâm sản xuất garum và cá muối lớn, có lẽ là trung tâm lớn nhất ở thế giới La Mã cổ. Có lẽ tài sản của các danh nhân ở Neapolis đều đến từ garum", Fantar cho biết.
Từ năm 2010, nhóm đã bắt đầu nghiên cứu và đi tìm bến cảng của thành phố Neapolis. Nhưng mãi đến tận mùa hè năm nay, nhờ điều kiện thời tiết lý tưởng mà hành trình này mới có đột phá. Họ tìm thấy tàn tích của thành phố kéo dài suốt 20 hectares dưới đáy biển.
Một phần của Neapolis đã bị nhấn chìm bởi sóng thần vào ngày 21 tháng 7 năm 365 trước Công nguyên. Nhà sử học Ammien Marcelin có ghi lại rằng cơn sóng thần này cũng tàn phá nặng nề thành phố Alexandria ở Ai Cập và đảo Crete ở Hy Lạp.
Neapolis có nghĩa là "thành phố mới" trong tiếng Hy Lạp. Tàn tích còn lại của thành phố hiện trải dài dưới bờ biển thị trấn Nabeul. Đây là thị trấn được xây dựng trên tàn tích của Neapolis khi thành phố lớn này sụp đổ.
Miền đất này đã đổi chủ rất nhiều lần qua lịch sử, bắt đầu là khu định cư của người Hy Lạp, Carthage, rồi Rome và Ả Rập. Chính quyền Tunisia chưa hề có động thái nào để bảo vệ khu di tích này. Khách sạn và nhiều công trình khác vẫn được dựng lên, ngay trên nền di tích ở Nabuel.
Tác giả: Ngô Vân Theo DailyMail
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn