Màu sắc được chứng minh là có ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng của chúng ta. Màu đỏ có thể kích thích sự thèm ăn nên thường xuất hiện trong các nhà hàng. Ngược lại, màu xanh làm giảm cảm giác thèm ăn còn màu hồng thường gắn liền với hạnh phúc, lòng trắc ẩn cũng như sự yếu đuối, nữ tính.
Từ lâu các nhà khoa học đã lập luận rằng màu hồng có thể làm dịu tính gây hấn. Đó chính là lý do ở một số nước châu Âu, người ta quyết định sơn màu phòng giam cho tù nhân bằng màu hồng. Tuy vậy, một số người lại cho rằng đây là phương pháp rập khuôn, khiến phạm nhân cảm thấy nhục nhã và bị thao túng.
Người đầu tiên nảy ra ý tưởng sử dụng màu hồng trong các nhà tù để “hạ hỏa” tù nhân là nhà nghiên cứu Alexander Schauss, người từng thực hiện một loạt các thí nghiệm vào cuối những năm 1970 để chứng minh sức mạnh của màu sắc với hành vi con người. Một trong những thí nghiệm gây tranh cãi của ông là sử dụng một tấm áp phích màu hồng có hình cánh tay vươn ra, khiến người nhìn cảm giác như bị ông điều khiển hai tay.
Các sĩ quan hải quân là Gene Baker và Ron Miller đã rất ấn tượng với thí nghiệm của Schauss và bắt chước sử dụng một tấm áp phích màu hồng tại căn cứ hải quân của mình. Sau đó, họ nhận thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của các tù nhân.
Tất cả đều có vẻ ít gây hấn hơn. Màu này được biết đến với cái tên màu hồng “Baker-Miller” và được một số nhân viên trại giam sử dụng trong suốt những năm 1980.
Thế nhưng sau này, chính Schauss lại tiến hành thí nghiệm màu sắc với các tù nhân và nhận thấy màu hồng “Baker-Miller” không hề có tác dụng như đã tưởng. Không chỉ vậy, ông còn báo cáo những lo ngại rằng màu hồng “Baker-Miller” thực sự có thể khiến tù nhân trở nên bạo lực hơn.
Những nghi ngờ của Schauss đã được xác nhận vào 30 năm sau, khi nhà tâm lý học Oliver Genschow tiến hành các bài kiểm tra nghiêm ngặt để xem màu hồng “Baker-Miller” có thực sự làm dịu những tù nhân bạo lực hay không. Kết quả là không.
Tuy nhiên, hóa ra vấn đề chỉ nằm ở sắc hồng rực rỡ, nóng bỏng. Vào năm 2011, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Daniela Spath đã quyết định thực hiện thí nghiệm của riêng mình với một phiên bản màu hồng nhạt hơn, dịu dàng hơn với tên gọi màu hồng “Cool Down”.
Spath áp dụng gam màu này tại 10 nhà tù trên khắp Thụy Sĩ và trong 4 năm, các nhân viên trại giam báo cáo hành vi gây hấn của tù nhân ở trong các phòng giam màu hồng giảm hơn đáng kể so với tù nhân ở trong các phòng giam thông thường. Bản thân Spath cũng nhận thấy các tù nhân có thể thư giãn nhanh hơn khi nhìn màu hồng.
Màu hồng “Cool Down” đang dần lan rộng ra ngoài phạm vi Thụy Sĩ, được sử dụng trong các nhà tù ở Đức như ở Dortmund, Hagen, Kleve và Attendorn. Daniela Spath cũng đề xuất sử dụng gam màu này trong các trường học và bệnh viện tâm thần.
Trà Xanh
Theo OD
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn