Theo SCMP dẫn lời “nhóm hoạt động Bé gái Không phải Cô dâu” (Girls Not Brides – GNB) vào ngày hôm qua (27.6), tình trạng tảo hôn tại Nam Sudan và Kenya - 2 quốc gia châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột và hạn hán - đang ngày càng gia tăng và các gia đình đang sẵn sàng đổi con gái mình lấy bò, dê để có thể sống sót qua ngày.
Cụ thể, theo bà Dorcas Acen - chuyên gia bảo vệ bình đẳng giới thuộc tổ chức từ thiện Quan tâm Quốc tế (Care International) tại Nam Sudan, trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn, các gia đình tại nước này hiện có thể gả con gái mình với “giá” 300 con bò, nhiều gấp 10 lần so với thời bình.
“Khi có một cô gái trong nhà đến tuổi lấy chồng, nhà trai sẽ đến và mang theo bò làm của hồi môn”, bà Acen cho biết. “Về cơ bản, nó là một cuộc đấu giá: ai mang nhiều bò đến nhất thì sẽ lấy được cô gái về”.
Trong khi đó, tại các khu vực vùng biên ở Kenya, để sống sót qua nạn hạn hán, nhiều người chăn nuôi bán du mục Maasai và Samburu lại đang đổi các cô gái lấy gia súc.
“Do số lượng dê giảm, nhiều bậc cha mẹ đã bán đứt đứa con gái của mình với ‘giá’ chỉ có 4-5 con dê”, Millicent Ondigo - một nhân viên dự án thuộc tổ chức y tế từ thiện Sức khỏe châu Phi Amref (Amref Health Africa) tại thủ đô Nairobi (Kenya) cho hay.
Được biết, khi hạn hán diễn ra, các gia đình thường cố cho con gái lấy chồng từ khi còn nhỏ để sớm nhận được của hồi môn cũng như tăng cơ hội được vào các gia đình giàu có, được ăn uống đầy đủ của các cô bé. Do đó, Ondigo hiện đang phải tích cực đi vận động các gia đình “đầu tư” theo một hướng khác có lợi về lâu về dài hơn.
“Chúng tôi phải thuyết phục các gia đình rằng nếu cho con gái đi học, sau này con của họ sẽ có việc làm, có tiền để mua được nhiều 4 con dê của hiện tại”, Ondigo chua chát kể lại.
Theo nhóm hoạt động GNB, trong 10 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thì có tới 9 nước là thuộc châu Phi. Nguyên nhân là do tập tục truyền thống, giao kết giữa các gia đình, sự kỳ thị đối với việc có thai ngoài kết hôn và nghèo đói. Ngoài ra, xung đột kéo dài và biến đổi khí hậu cũng là 2 nhân tố khiến cho tình trạng “cô dâu trẻ con” ngày càng trở nên phổ biến. Theo số liệu của LHQ, tại Nam Sudan, tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi kết hôn của hiện tại là 52%, cao hơn 12% so với 8 năm trước.
“Phần lớn các bậc cha mẹ cho con gái lấy chồng sớm là vì lý do kinh tế”, chuyên gia bảo vệ bình đẳng giới Dorcas Acen giải thích. “Vào lúc khó khăn, cái đầu tiên mà họ cần là giảm số miệng ăn xuống”.
Theo SCMP, dù nạn tảo hôn đang có xu hướng giảm, mỗi năm vẫn có khoảng 12 triệu bé gái chưa đủ tuổi thành niên phải “lên xe hoa”. Việc này thường để lại hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như việc học hành của các em.
Tác giả: Theo Tiểu Đào Dân Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn